Công ty Thủy lợi Yên Lập: Giải pháp phát triển trước thách thức mới
(CLO) Công ty Thủy lợi Yên Lập được giao nhiệm vụ quản lý hồ Yên Lập, phục vụ nước cho nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế trên địa bàn Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Cát Hải (Hải Phòng). Dự báo, những năm tới sẽ có nhiều thách thức mới, song đơn vị đã có giải pháp khắc phục.
Trên 40 năm quản lý, khai thác an toàn, hiệu quả
Công trình thủy lợi hồ Yên Lập do Công ty quản lý là công trình cấp II, được xây dựng từ năm 1977; năm 1982 đưa vào khai thác. Hồ Yên Lập gồm lưu vực sông Míp và suối Vạn Nho, có diện tích trên 182 km2; cao trình mực nước dâng bình thường là 29,5m, ứng với khoảng 12 Km2 mặt nước; dung tích thiết kế đạt 127,6 triệu m3. Trong đó, dung tích hữu ích là 118,1 triệu m3, dung tích mực nước chết 9,5 triệu m3 và dung tích siêu cao 138 triệu m3.

Công trình thủy lợi hồ Yên lập được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 1982, hiện là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.
Từ khi đưa hồ Yên Lập vào sử dụng đến nay, Công ty Thủy lợi Yên Lập đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp đủ nước cho các ngành kinh tế trong vùng. Góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Đặc biệt, những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu gây hạn hán kéo dài khiến mực nước hồ xuống thấp kỷ lục, điển hình là hè năm 2020 mực nước hồ xuống gần chạm đường hạn chế cấp nước; tuy nhiên bằng nhiều biện pháp kỹ thuật và nỗ lực của bản thân, Công ty đã luôn bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho mọi đối tượng.

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tháng 7/2020 mực nước hồ Yên Lập đã xuống thấp kỷ lục, gần chạm đến đường hạn chế cấp nước.
Thách thức trong những năm tới
Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng nước từ nguồn hồ chứa Yên Lập cũng ngày càng tăng cao; dự báo từ năm 2025 trở đi, nhu cầu này sẽ rất lớn; trong đó, nước dùng cho sinh hoạt, công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản sẽ tăng nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể.
Tuy nhiên, trong hoạch định, tính toán cân bằng nước, mới chỉ đề cập đến các mức tăng nhu cầu chính như: tăng nước tưới do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng nước dùng cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nuôi trồng thuỷ sản. Còn nhu cầu tăng khác lại được coi là nhỏ và sẽ sử dụng nguồn nước tự nhiên từ ao hồ, nước ngầm; hay tăng nước tưới do trồng xen canh, thâm canh thì chưa tính đến. Điều này sẽ làm cầu vượt cung về nước.
Tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường mang chiều hướng cực đoan, khô hạn kéo dài, mưa với tần suất lớn thường xảy ra nhưng phân bố không đều càng làm nguồn cung nước thiếu trầm trọng. Theo tính toán thì đến năm 2025 nguồn nước hồ Yên Lập bắt đầu không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Công trình Thủy điện hồ Yên Lập nhìn từ trên cao.
Hồ Yên Lập là hồ chứa nước lớn, diện tích lòng hồ và diện tích lưu vực rất lớn lại trải dài trên địa bàn nhiều xã, phường; có nhiều đường mòn, lối mở vào được hồ Yên Lập, rất khó khiểm soát. Trong khi đó, biên chế theo định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác bảo vệ công trình chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp của chính quyền địa phương còn giới hạn, do đó vẫn còn một số vi phạm công trình, đặc biệt là tình trạng bơi tắm, du lịch tự phát và đánh bắt cá trái phép vẫn xảy ra.
Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình thủy lợi đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời do chưa có kinh phí thực hiện gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành. Có thể kể đến như: Hệ thống van côn bị rò rỉ, hệ thống cảnh báo lũ bị hư hỏng; cần nâng cấp, sửa chữa thay thế thiết bị khoan phụt chống thấm nền tràn và dốc tràn xả lũ; hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo lũ đầu nguồn theo thời gian thực...
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững
Trước khó khăn hiện hữu, Công ty đã có giải pháp cụ thể, trước hết về nội lực sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý công trình, mặt hồ, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo tuyệt đối an toàn đập hồ theo quy định và trách nhiệm được giao. Công tác kiểm tra được duy trì thường xuyên; định kỳ hằng tháng phân tích chất lượng nước hồ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm công trình, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn đối với nguồn nước.

Hồ Yên Lập có dung tích chứa nước lớn, nằm trên địa bàn nhiều xã, phường cần được đầu tư, quản lý, bảo vệ đảm bảo an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện.
Đẩy mạnh phối hợp với các địa phương có liên quan đến công trình hồ thủy lợi trong công tác bảo vệ công trình, ngăn chặn người dân tự ý đến tắm, chèo thuyền đánh bắt cá, du lịch tự phát và nhiều hoạt động trái phép khác ảnh hưởng đến công trình và nguồn nước hồ Yên Lập.
Về ngoại lực, để quản lý và khai thác công trình hồ Yên Lập một cách hiệu quả, bền vững, Công ty đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và các ban ngành địa phương liên quan bố trí tăng vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thay thế các thiết bị công trình đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Đồng thời cần khảo sát đánh giá tổng thể sự bồi lắng tích tụ lòng hồ và chất lượng môi trường nước hồ Yên Lập; khảo sát đánh giá tình hình biến đổi thủy văn lưu vực lòng hồ; khảo sát đánh giá địa chất, địa mạo công trình lòng hồ và chuyển đổi toàn bộ rừng sản xuất trong lưu vực lòng hồ thành rừng phòng hộ để đảm bảo nguồn sinh thủy.
Trong bài toán cân bằng nước, cũng cần phải tính hết lượng tăng nhu cầu sử dụng nước khác như tăng do người dân trồng thâm canh, xen canh. Nếu không tính đủ thì ngoài việc ảnh hưởng đến cân bằng nước mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp quản lý công trình bởi diện tích đất này không ký hợp đồng nhưng Công ty vẫn phải phục vụ tưới.
Nguyễn Quân