Thị trường đường đang phải đối mặt với khủng hoảng nguồn cung lớn

07/11/2023 16:47

(CLO) Đối với thị trường đường toàn cầu, thời điểm này bắt đầu được coi là một trong những đợt thiếu hụt nguồn cung tồi tệ nhất trong lịch sử.

Những năm liên tiếp thâm hụt, thiệt hại do thời tiết đối với các cây trồng chủ chốt và tắc nghẽn vận chuyển đang nhắc nhở công ty kinh doanh đường hàng đầu thế giới về những năm 2010 và 2011, khi giá chất tạo ngọt đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ.

Ông Mauro Angelo, Giám đốc điều hành tại Alvean, công ty kinh doanh do nhà sản xuất Copersucar của Brazil kiểm soát, cho biết: “Các điều kiện hiện tại tương tự một cách kỳ lạ”.

thi truong duong dang phai doi mat voi khung hoang nguon cung lon hinh 1

Nguồn cung đường thế giới khó đoán định do bảo hộ lương thực và nhân tố chuyển dịch sản xuất ethanol. Ảnh: Internet.

Công ty dự kiến thâm hụt năm thứ sáu liên tiếp trong mùa tới do triển vọng kém đối với cây trồng của Ấn Độ sẽ làm giảm lượng đường dự trữ trên toàn cầu.

Tệ hơn nữa, nhà sản xuất hàng đầu Brazil đang chứng kiến sự lặp lại của tình trạng trì trệ trong thập kỷ trước khiến thế giới không đủ cung.

Ông Angelo cho biết: “Mưa ở Ấn Độ rất khủng khiếp và lượng nước dự trữ cực kỳ thấp, vì vậy vụ mùa tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn vụ hiện tại”.

Ấn Độ dự kiến sẽ không xuất khẩu bất kỳ loại đường nào cho mùa vụ vừa mới bắt đầu, một sự thay đổi so với hai mùa trước khi xuất khẩu lên tới 11 triệu tấn.

Điều đó có nghĩa là thị trường đang phụ thuộc vào Brazil, khiến giá trở nên cực kỳ nhạy cảm với các vấn đề như mưa không đúng lúc có nguy cơ làm gián đoạn vụ thu hoạch hoặc trì hoãn việc bốc hàng.

Đường hiện đang chất đống tại các cảng của Brazil khi cơ sở hạ tầng của nước này đã được mở rộng đến công suất tối đa.

Vụ đậu nành và ngô bội thu đang buộc đường phải cạnh tranh chỗ trống tại các cảng và nhà ga, trong khi những trận mưa lớn gần đây đã làm tăng thời gian tàu phải chờ xếp hàng.

Giám đốc điều hành của Alvean cho biết ông tin rằng các vấn đề hậu cần có thể đã ngăn cản Brazil vận chuyển ít nhất một triệu tấn đường trong tháng 10, một khoản lỗ mà nước này khó có thể bù đắp trong những tháng tới.

Đó là bởi vì các cảng đông đúc sẽ không có khả năng xử lý bất kỳ khối lượng bổ sung nào và chẳng bao lâu nữa, vụ đậu nành mới sẽ lại lấp đầy không gian lưu trữ.

Với lượng hàng dự trữ ít ở các quốc gia dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu, ông Angelo nhận thấy nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Lê Na (Theo HSNW)

CTV