EU không vội khai thác lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga
(CLO) Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm, Pháp, Đức, Ý và Bỉ đã tuyên bố với Ủy ban châu Âu rằng họ không muốn tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ Ukraine.
Theo đó, các quốc gia thành viên muốn lựa chọn cách tiếp cận dần dần khi đề cập đến vấn đề tài sản của Nga bị phong tỏa như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine áp đặt lên Nga vào năm 2022.
Những bình luận này được cho là đã được đưa ra trong một cuộc họp kín vào đầu tuần này, khi cơ quan điều hành của khối thúc đẩy hoàn thiện đề xuất về sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine vào cuối năm nay.

Ảnh: Getty Images.
Gần 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép các tài sản Nga bị tịch thu ở nước ngoài được đổi lấy tiền của các công ty nước ngoài bị Nga đóng băng để trả đũa.
Các nhà ngoại giao EU đang cố gắng tìm những cách hợp pháp để sử dụng số tiền bị tịch thu của Nga để “tái thiết” Ukraine. Trong số các ý tưởng được đưa ra có sử dụng tiền lãi được tạo ra từ tài sản nắm giữ trong các tổ chức tài chính của EU. Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Brussels sẽ chuẩn bị một đề xuất pháp lý về việc chuyển giao tài sản của Nga.
Moscow đã nhiều lần mô tả bất kỳ hành vi tịch thu tài sản nào của Nga là hành vi trái phép và bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, trong khi nhiều nhà phân tích, bao gồm cả những người ở phương Tây, cảnh báo rằng bất kỳ hành động tịch thu nào sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng của EU và làm tổn hại đến vị thế của hệ thống tài chính toàn cầu này.
Trong khi các nước thành viên EU không vội sử dụng số tài sản bị tịch thu, Chính phủ Ukraine cho rằng việc trao cho Kiev tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa sẽ không đủ để bù đắp thiệt hại do xung đột gây ra và họ hy vọng sẽ nhận được toàn bộ tài sản.
Khánh Vy (Theo RT)