Nghĩa tình gửi tới mai sau!

13/11/2023 09:46

(CLO) Tôi trở lại Vịnh Chèo, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang lần này cốt gặp anh, người lính một đời luôn nghĩ và làm vì đồng đội, liên tiếp có những nghĩa cử cao đẹp mới. Anh điện bảo: "Mời chú vào thăm công trình “Chút tình gửi lại mai sau” của chúng tôi…”

Đất nước đã qua 50 năm thống nhất, không phải ngẫu nhiên mà tôi lại vào Hậu Giang viết tiếp câu chuyện về những trận đánh, những mất mát, hy sinh mà xuất phát từ cơ duyên gặp anh ngót hai chục năm qua, cùng anh chèo thuyền trên những kênh rạch U Minh nơi chiến trường xưa, làm phim, chép sử cùng sự khâm phục cái nghĩa, cái tình của anh về đồng đội, đồng chí…

Anh là Đại tá Đỗ Hà Thái và cuốn nhật ký Vũ Xuân. Để đồng đội yên nghỉ 6 năm tại rừng tràm chiến trường xưa, thực hiện lời hứa khi còn chiến đấu bên nhau, anh một mình đưa hài cốt bạn chiến đấu về quê nhà Thái Nguyên và lưu giữ cuốn nhật ký chiến tranh… Sau 31 năm, từ năm 2005 trở về đây, độc giả, khán thính giả được biết tới một cuốn nhật ký chiến tranh (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in và phát hành) thật đặc sắc mà người viết nó là một cán bộ quân đội từng trải tên là Vũ Xuân - Chính trị viên tiểu đoàn 2311 thuộc Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng miền Nam.

Cuốn nhật ký và nhân cách tác giả của nó đã làm thổn thức và lay động tình cảm của nhiều người khi được anh em làm báo ở tỉnh Thái Nguyên - quê hương Vũ Xuân kể lại bằng hàng loạt các bài báo và bộ phim ký sự tài liệu khởi đầu 8 tập, theo sát hành trình 11 năm hành quân và chiến đấu mà liệt sỹ Vũ Xuân đã lưu bút. Cũng đồng thời qua đây kể lại những năm tháng gian khổ, hy sinh lớn lao, vô cùng anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, các đài địa phương đã phát nhiều lần bộ phim này.

nghia tinh gui toi mai sau hinh 1

Đại tá Đỗ Hà Thái cùng Đoàn làm phim Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân năm 2006.

Phim kể lại rằng ngày 3/7/1963, từ trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), chàng trai Vũ Xuân cùng bạn học lên đường nhập ngũ, để lại tất cả kỷ niệm tuổi thơ nhọc nhằn, hoài bão và cả những rung động đầu đời lên đường đi đánh Mỹ. Anh và thế hệ các anh lên đường với mục đích cao cả, Vũ Xuân viết trong nhật ký: "Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”. Cho đến ngày hy sinh (13/5/1974), đằng đẵng 11 năm trời, Vũ Xuân có 3 lần hành quân bằng đôi chân trần, chiến đấu trên đất nước Việt Nam, nước bạn Lào và Campuchia từ Thái Nguyên - Sơn Tây - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - vượt Trường Sơn – Sa-pa-na-khẹt Hủa Phăn (Lào); StungTreng - Carachie - Công Pông Chàm - Công Pông Chnăng - Căm Pốt - Tà Keo (Campuchia); Hà Tiên -  U Minh Thượng – U Minh Hạ - Cà Mau, Gò Quao (Việt Nam)...

Nhật ký để lại những trang viết, những câu nói đầy xúc động, như là phương châm sống cho các thế hệ người Việt Nam: “Tôi muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Phim kể lại những chặng đường hành quân chiến đấu và hy sinh của thế hệ các anh bằng từng tập, lôi cuốn, hấp dẫn người xem. Cũng từ nội dung của phim, đặt ra những câu hỏi mới, vừa có lý, vừa có tình. Tôi - người cùng với các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức tuyên truyền cuốn nhật ký và trực tiếp từ năm 2006, đi lại cuộc hành trình Vũ Xuân đã đi để làm 8 tập phim tài liệu. 

Được hỏi nhiều rằng vì sao Chính trị viên Tiểu đoàn 2311 Vũ Xuân chiến đấu anh dũng, hy sinh lẫm liệt như vậy mà chưa là Anh hùng? Đại tá Đỗ Hà Thái cũng cùng có chung một suy nghĩ và câu hỏi với chúng tôi…

nghia tinh gui toi mai sau hinh 2

Đại tá Đỗ Hà Thái và tác giả tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9.

Cuốn nhật ký luôn nằm trong balo cho đến ngày anh hy sinh tại Đồn Kênh 2, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang ngày 13/5/1974. Theo nhật ký, Vũ Xuân ghi: "Nam tiến lần thứ 3 này chặng đường sẽ rất gian truân”, “Đời anh lính không có gian khổ nào giống gian khổ nào thật". Lần mò trong rừng đêm gần 3 tiếng đồng hồ, dừng nghỉ thì không an toàn, mà đi thì vai đeo balo 30kg leo đèo, lội suối, lần rừng đêm. Chiến trường T3 (mật danh vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ ). Những đêm trăng Đồng Tháp Mười, mắc võng giữa rừng tràm, xa quê, nhớ mẹ… Đồn Kênh 2 thuộc xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang ở vào vị trí rất trống trải lại sát bờ kênh nên quân ta khó tiếp cận. Cấp trên biết rõ khó khăn này, song vẫn hạ quyết tâm phải nhổ bằng được để mở thông con đường tiếp tế trên sông của ta tại ngã ba Di Hạng. Đêm đó, anh Xuân cùng Tiểu đoàn trưởng Đinh Huy Tỵ chỉ huy cùng bộ đội vượt kênh ém sát đồn.

Anh Tỵ sau này kể lại với tôi: "Yếu tố bất ngờ không còn, chúng tôi vượt kênh vô cùng khó khăn, chúng tôi đã phải bắn tới 20 quả đạn cối 120 ly mà chưa tiêu diệt được đồn giặc. Tang tảng sáng, chúng tôi nổ súng tiêu diệt 2 lô cốt, lô cốt cuối cùng vẫn ngoan cố chống cự. Đây có thể nói là trận đánh khó khăn, ác liệt và cực kỳ anh dũng nhưng cũng tổn thất nhiều của đơn vị. Căm thù dồn nén vì nhiều đồng đội hy sinh, anh Xuân vùng dạy ôm B40 bắn liên tục 4 quả vào lô cốt địch, rồi lại dùng AK bắn tiếp. Một loạt đạn từ lô cốt, anh Xuân ngã xuống, hôm đó là ngày 13/5/1974. Anh Xuân đã nhiều năm chiến đấu, nay ngã xuống được nhân dân Kiên Giang hương khói suốt 6 năm trời."

Với tôi, sự hy sinh lẫm liệt của anh Xuân, thành tích to lớn của Đoàn 6 Pháo binh và Tiểu đoàn 2311, ý kiến ghi nhận công lao của Tư lệnh Quân khu 9 - Trung tướng Trần Phi Hổ và nhiều người đều có chung suy nghĩ: "Sao Đoàn pháo binh, Vũ Xuân lại chưa được phong tặng Anh hùng?". Anh Đỗ Hà Thái thì bảo: "Vậy là chúng ta còn phải đi." Còn tôi - tác giả chính của bộ phim thì cho rằng phim còn phải tiếp vài tập… Anh Thái quê gốc Bắc Giang, vợ con ở Hậu Giang, sống ở Cần Thơ ra vào liên tục, lúc tìm đồng đội, xin tư liệu, chữ ký lúc tham dự hội thảo, tọa đàm.

nghia tinh gui toi mai sau hinh 3

Đại tá Đỗ Hà Thái và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Vũ Xuân

Còn chúng tôi, phần do trái tim thôi thúc, phần thương anh Thái vất vả dặm trường lại cùng anh Thái đi tiếp. Được sự giúp đỡ và động viên của Tổng Biên tập báo Kiên Giang, sau này là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - Đặng Tuyết Em, tôi cũng tới 3 lần đi gặp anh Phan Tiếp Yến - Đại Đội trưởng Đại đội 3 (lúc đó, anh Xuân là Chính trị viên Đại đội) ở Rạch Giá. Gặp anh Tỵ ở Ninh Bình, anh Thịnh ở Thanh Hóa, tướng nghỉ hưu Tư Niên ở Trà Nóc (Cần Thơ), làm việc với các anh Phạm Ngọc Soa, Phạm Xuân Thọ, Trịnh Văn Khắp ở Đoàn 6 Pháo binh, các cơ quan của Quân khu để có thêm tiếng nói. Tôi cũng được mời tham gia vài cuộc bỏ phiếu đề nghị tôn vinh anh Xuân…

Khi khai thác tư liệu tại Đoàn 6 Pháo binh, chúng tôi choáng ngợp. Thành lập năm 1963, tính đến ngày Giải phóng 1975, đơn vị đã đánh 3.791 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 23.959 tên địch (trong đó có 922 tên Mỹ), bắn rơi 1796 máy bay, phá hủy 319 khẩu pháo, vậy mà cho đến thời điểm ấy, chỉ có đồng chí Phan Công Nam (từ đơn vị khác chuyển về là Anh hùng Lực lượng vũ trang)...

Ngày 29/4/2015, tôi và anh Đỗ Hà Thái đều được Đoàn 6 Pháo binh mời về TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang dự lễ Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sỹ Vũ Xuân… Vậy là sau 41 năm, sau gần 10 năm cuốn nhật ký được công bố và hành trình tiếp theo của đồng đội, niềm vui đã đến khá trọn vẹn. Anh Đỗ Hà Thái chuyển lại cho gia đình những kỷ vật cuối cùng của anh Xuân. Riêng tôi hiểu đến lúc này anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề thứ 7 – lời thề đồng đội… Ngồi dưới khán đài nhìn lên, tôi bắt gặp nụ cười mãn nguyện của anh, trào nước mắt khi thấy anh gầy nhiều sau những ngày đi lại vất vả…

Gặp lại vị tướng già Trần Văn Niên (Tư Niên) – một chỉ huy can trường thời chống Mỹ, tôi đem trăn trở của tôi và nhiều người để hỏi ông. Mắt vị tướng già ngấn lệ: "Chúng tôi luôn trong bưng biền, động viên nhau chiến đấu giỏi mà không mảy may nghĩ tới tôn vinh cho anh em, cho đơn vị." Thoáng nhìn chiếc máy quay phim, ông nói tiếp: "Tôi đã coi phim Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân rồi, cảm động lắm. Mọi người cũng biết về Đoàn 6. Chúng tôi thật hạnh phúc. Và sau khi chúng tôi dự Lễ kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước vào sáng 30/04/2015 tại TP. Hồ Chí Minh về, 2 tập tiếp theo của bộ phim của chúng tôi cũng hoàn thành trong niềm vui khôn tả…"

nghia tinh gui toi mai sau hinh 4

Đại tá Đỗ Hà Thái và tác giả tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9.

10 năm nữa lăn lộn để có “Nghĩa tình gửi lại mai sau”, tôi vào Hậu Giang nửa năm sau Lễ khánh thành Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 được xây dựng trên trận địa Vịnh Chèo xưa do hôm khánh thành có việc bận. Thành lập tháng 11/1963, thành tích anh hùng của đơn vị vang dội nhưng cũng có 392 cán bộ, chiến sỹ người của nhiều tỉnh thành hy sinh trên các chiến trường, trong đó có trận Vịnh Chèo ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây là nơi 51 chiến sỹ liệt thuộc Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9, đã anh dũng hy sinh trong trận huyết chiến ngày 20/12/1974.

Khu tưởng niệm - gọi cách khác là đền thờ được xây dựng nguy nga trên diện tích 5 nghìn mét vuông trong suốt 3 năm - là khoảng thời gian không hề ngắn với một công trình lịch sử nhưng dường như quá dài với những người lính năm xưa, có người ngoài 90, ít hơn đã hơn 70. Tuổi này lẽ ra vui vầy bên con cháu, nhưng nghĩ về đồng đội, nghĩ về các thế hệ mai sau, họ quên đi bệnh tật, quên đi tuổi tác, chỉ một lòng hướng về đồng đội…

Dẫn tôi đi tham quan một vòng khu tưởng niệm, Đại tá Đỗ Hà Thái - nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Trưởng ban Quân lực Đoàn 6 Pháo binh (nay là Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9), kể câu chuyện về 51 đồng đội của ông đã hy sinh tại đây và cơ duyên đưa ông từ một người con đất Bắc về sinh sống, lập nghiệp tại vùng đất này. Tất cả vì một chữ duyên, vì tình nghĩa đồng đội và tình người xứ này. “Quê vợ ở huyện Long Mỹ, nên không biết bao lần tôi đi qua cánh đồng Vịnh Chèo. Những ký ức về đồng đội năm xưa từng sống và chiến đấu, từng hy sinh tại đây luôn thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó để ghi nhớ công ơn, để thế hệ hôm nay biết được ngày xưa chúng tôi đã sống, chiến đấu giành lấy độc lập, tự do như thế nào. Chúng tôi không làm thì sẽ thấy có lỗi với đồng đội, với những người đã ngã xuống”.

Phía trước Khu tưởng niệm là con đường rộng, tấp nập xe cộ, người qua lại, xung quanh là đồng lúa xanh mướt, vườn cây ăn trái trĩu quả. Cách nay mấy năm thôi, nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Giờ đường được xẻ ngang, mở hướng cho sự phát triển, khu tưởng niệm này như nhắc nhở với mọi người rằng trên cánh đồng này, đã có không ít người lính đã ngã xuống, để giữ màu xanh cho đất. Ông kể rằng kết nối được với những người lính pháo binh xưa ở mọi miền Tổ quốc, Đại tá Đỗ Hà Thái xin ý kiến của người chỉ huy năm xưa là Thiếu tướng Trần Văn Niên - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng ban Liên lạc Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9, cùng nhiều đồng đội khác trên mọi miền Tổ quốc, bắt tay vận động, thực hiện xây dựng công trình. Đồng cảm với các ông, những người lãnh đạo trẻ của tỉnh Hậu Giang đã cấp đất để xây dựng.

Ban Liên lạc cho thành lập Ban quản lý công trình, Ban vận động tài trợ… và khởi công xây dựng vào ngày 1/10/2020 và công trình được đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, nhà sư Thích Tuệ Hải - Trụ trì chùa Long Hưng (Đồng Nai) tài trợ lớn cho công trình, tổ chức Lễ cầu siêu và đám giỗ tập thể cho liệt sỹ con em của 32 tỉnh thành trong cả nước nằm lại với sông nước Cửu Long… Công trình hoàn thành, Đại tá Đỗ Hà Thái được phân công và cũng tình nguyện ở lại trông nom, hàng ngày nhang khói cho các liệt sỹ…

nghia tinh gui toi mai sau hinh 5

Đại tá Đỗ Hà Thái và tác giả tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9.

Ông cho biết: “Anh em ai cũng mừng. Ngày khánh thành công trình, hàng trăm cựu binh, gia đình liệt sĩ từ khắp mọi miền đã tìm về, xúc động và hạnh phúc vô bờ. Riêng tôi, vì gắn bó với công trình này từ đầu khi ở đây còn là một vạt ruộng giờ đã nên vóc, nên hình, sẽ là nơi có nhiều người đến để tìm hiểu về lịch sử. Tôi muốn ở lại đây như một nhân chứng sống, kể lại những câu chuyện mình từng sống, chiến đấu trên vùng đất này, những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng ra sao. Và cũng để vong linh các liệt sỹ luôn ấm áp”.

Tôi nhìn anh Thái, năm nay anh già đi nhiều. Dời quê hương Bắc Giang lên đường chống Mỹ, chiến tranh Biên giới Tây Nam, các hoạt động nghĩa cử vì đồng đội đằng đẵng sáu chục năm trời… Hôm nay, bên hương án các liệt sỹ cùng đơn vị, nước mắt người lính già lại tiếp tục rơi. Gương mặt săn chắc, cương nghị, đôi vai gầy do gánh nặng tình nghĩa, ông cười hiền từ và cứ để giọt nước mắt từ từ chảy, bày tỏ: “Ước nguyện cuối cùng của tôi và đồng đội đã hoàn thành rồi. Chút nghĩa, chút tình gửi lại đời sau của chúng tôi đã thành hiện thực”.

Vâng! Anh Thái à! Mọi thứ đều có thể bị lớp bụi của thời gian làm mờ phai, chỉ có tình người ở lại. Gió từ cánh đồng Vịnh Chèo thổi vào di tích mát rượi, tiếng chim hót véo von mà nghe văng vẳng như tiếng người xưa:

“Nước non trăm quý ngàn yêu

Con đây mãi mãi Vịnh Chèo - Hậu Giang”.

Vịnh Chèo, Hậu Giang cuối thu - 2023

                                                            Hữu Minh