Tiểu thương tại TP HCM loay hoay tìm phương án trước 'bão' suy thoái

21/11/2023 09:41

(CLO) Trả nhà, sang nhượng mặt bằng, thu gọn quy mô, hình thức kinh doanh, chuyển đổi hình thức kinh doanh sang các kênh trực tuyến đang là xu hướng của nhiều chủ quán trên địa bàn TP HCM.

Ế ẩm, vắng khách dịp cuối năm

Vắng khách, doanh thu sụt giảm đáng kể là tình trạng chung của nhiều hộ kinh doanh dịp cuối năm 2023. Khảo sát thực tế trên các tuyến đường đông đúc tại trung tâm quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận như đường Hai Bà Trưng, đường Phan Xích Long, đường Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Thị Minh Khai… có rất nhiều mặt bằng bỏ trống với hàng trăm tờ giấy “cho thuê nhà”.

tieu thuong tai tp hcm loay hoay tim phuong an truoc bao suy thoai hinh 1

Nhiều mặt bằng trung tâm TP HCM bỏ trống, dán kín các tờ giấy “cho thuê nhà”

Bài liên quan

Mặt bằng bán lẻ chất lượng cao tại TP HCM đối mặt với nhiều áp lực trong trung hạn

Mặt bằng bán lẻ diện tích nhỏ tại trung tâm TP HCM bỏ trống hàng loạt

Bị cạnh tranh bởi thương mại điện tử, mặt bằng bán lẻ có còn cơ hội hồi phục?

Xu hướng dịch chuyển mặt bằng bán lẻ ra các cực đô thị mới tại miền Bắc

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, quản lý một quán thịt nướng nằm trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) cho biết: “Năm nay số lượng khách đến quán ăn ít hẳn, doanh thu một ngày chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái”.

Chung hoàn cảnh với các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, các tiểu thương chợ truyền thống như chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ Nguyễn Trãi, chợ vải Soái Kình Lâm… cũng rơi vào cảnh khó khăn, ế ẩm. Vừa do suy thoái kinh tế, vừa do thói quen mua sắm của khách hàng đã thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến.

tieu thuong tai tp hcm loay hoay tim phuong an truoc bao suy thoai hinh 2

Doanh thu các quán ăn sụt giảm so với năm ngoái

Cô Lê Thị Tuyển (58 tuổi), chủ quầy quần áo trung niên tại chợ Nguyễn Trãi trải lòng: “Mở bán cho có hoạt động chứ làm gì có khách. Mà đóng cửa thì cũng chẳng biết làm gì. Chưa năm nào ế như năm nay. Mấy tháng nữa là đến Tết rồi mà tình hình này chắc thanh lý nhanh đống hàng cũ chứ không dám nhập thêm nữa”. 

Khi đề cập đến những hình thức kinh doanh trên mạng xã hội như livestream bán hàng, cô Tuyển ngần ngại cho biết: “Cô già rồi, sao theo kịp được nữa. Nhờ con cháu chỉ cho thì nay nhớ, mai quên”. 

Đối mặt và thay đổi

Đứng trước “bão” suy thoái, nhiều chủ quán đã lựa chọn phương án “cắt lỗ”, trả mặt bằng hoặc sang nhượng mặt bằng; thay đổi hình thức kinh doanh hoặc đi làm thuê để trang trải cuộc sống. 

tieu thuong tai tp hcm loay hoay tim phuong an truoc bao suy thoai hinh 3

Nhiều chủ kinh doanh đã chọn phương án sang nhượng quán để "cắt lỗ"

Anh Mai Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trước đây anh là chủ một quán cà phê nổi tiếng ở khu vực cầu Kiệu, Phú Nhuận. Tuy nhiên tiền mặt bằng, chi phí nhân công, các khoản phát sinh để vận hành quán cà phê quá lớn nên anh đã chọn giải pháp sang nhượng mặt bằng giá rẻ để kéo lại vốn và chuyển sang bán đồ ăn với quy mô nhỏ. 

Một số chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cũng rất linh hoạt trong việc thay đổi quy mô và nghiên cứu mô hình bán hàng lưu động nhằm tiếp cận nhiều khách hàng, tăng doanh thu cho quán. 

“Quán ăn của tôi doanh thu chủ yếu đến từ các sàn thương mại điện tử như ShopeeFood, GrabFood, Beamin. Chi phí chiết khấu cho các sàn cũng khá cao, từ 20 - 25% nhưng thế còn hơn việc không có khách”, anh Hoàng Anh cho biết thêm. 

Trong khi đó, thay vì trả mặt bằng, đóng quán, chủ quán cà phê Lupis (quận 5) đã đầu tư thêm xe điện có tính năng gắn thêm thùng hàng để bán cà phê lưu động, tăng nhận diện thương hiệu, thu hút thêm khách hàng đến dùng dịch vụ trực tiếp để tăng doanh thu.

tieu thuong tai tp hcm loay hoay tim phuong an truoc bao suy thoai hinh 4

Nhiều quán phát triển thêm hình thức bán lưu động để thu hút thêm khách hàng

Với những hộ kinh doanh sản phẩm có thể vận chuyển xa như quần áo, đồ ăn vặt, trang sức, văn phòng phẩm… thì gần như chuyển đổi sang mô hình bán hàng online, livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop… 

Anh Lê Công Tuấn (chủ hãng quần áo nam OAO) cho biết: “Đầu năm tôi quyết định chuyển mặt bằng có giá thuê thấp hơn để làm kho và cho khách đến thử đồ trực tiếp. Còn lại tôi chủ yếu bán trên Shopee, TikTok Shop. Mặc dù doanh thu năm nay có thấp hơn năm ngoái nhưng vì tiền thuê nhà giảm, cắt được nhiều chi phí nên về cơ bản shop của tôi vẫn ổn”.

Nói về sự thay đổi này, anh Tuấn cho biết thêm: “Trước thì cứ 9h sáng mở quán, 9h tối đóng cửa đi về. Còn giờ livestream bán hàng là chủ yếu nên cứ lúc nào người ta nghỉ thì mình làm, người ta làm thì mình đi gói hàng để vận chuyển. Cứ tầm giờ nghỉ trưa, tầm tối 8h-9h, thứ 7, chủ nhật hay lễ tết là bật máy livestream hết công suất. Bởi vì lúc đó người dân mới rảnh rỗi để xem livestream mua hàng”. 

Trước “cơn bão” cắt giảm chi tiêu cũng như sự thay đổi về tư duy và thói quen của khách hàng, ai cũng đều hiểu mình cần phải thay đổi chiến lược, hình thức kinh doanh. Song, nhiều tiểu thương lớn tuổi ở các chợ truyền thống đang đứng trước thách thức lớn khi trở nên lúng túng với sự phát triển của công nghệ.

Kỳ Hoa