Đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hơn 14.000 tỷ đồng
(CLO) UBND tỉnh Cao Bằng vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức đối tác công - tư (PPP) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là hơn 14.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với kinh phí hơn 14.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng).
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư với vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.
Tại dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với nhiều hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn được 23km chiều dài tuyến.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cũng giới thiệu mô hình phương thức thực hiện và mô hình huy động vốn 3P+.
Đây là phương thức tổ chức mà nhà thầu thi công dự án đồng thời là nhà đầu tư, triển khai thi công theo mô hình tổng thầu EC và EPC thay vì là các nhà thầu đơn lẻ.
Với mô hình huy động vốn 3P+, vốn đầu tư dự án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
Mô hình 3P thông thường có vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng. Với mô hình 3P+ vốn ngân sách Nhà nước có vốn của Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó tham gia dự án có nhiều doanh nghiệp, ngoài vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn tín dụng còn có vốn trái phiếu, vốn hợp tác đầu tư và nguồn vốn khác.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối Hà Nội, khu vực đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương và khu vực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.