Liên tục uống các loại nước ngọt, nữ sinh 15 tuổi hôn mê và phát hiện tiểu đường

07/12/2023 14:15

(CLO) Trước khi nhập viện, P. cho biết thấy ho, sốt, khát nước và tiểu nhiều. Nghĩ bệnh cảm thông thường, em truyền dịch, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Việc khát nước thường xuyên khiến em liên tục uống các loại nước ngọt và nước điện giải.

Mới đây, khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), BVĐK Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận trường hợp em P.H.T. (15 tuổi, Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) nhập viện có những triệu chứng điển hình của nhiễm toan ceton do tiểu đường như: hôn mê, khát nước, tiểu nhiều, nôn ói, hơi thở có mùi trái cây, đường huyết đo tại giường cao gấp 4 lần.

Kết quả xét nghiệm máu đúng với chẩn đoán ban đầu của bác sĩ Khương, em bị viêm hô hấp, nhiễm toan ceton, tiểu đường type 1 với chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong 3 tháng) cao gần gấp 3 so với bình thường, ceton trong máu cao gấp 137 lần.

lien tuc uong cac loai nuoc ngot nu sinh 15 tuoi hon me va phat hien tieu duong hinh 1

Bác sĩ Trúc hướng dẫn em T. cách tiêm insulin và sử dụng máy đo đường huyết tại nhà. (Ảnh do BVCC).

Trước nhập viện, em ho, sốt, khát nước và tiểu nhiều. Nghĩ bệnh cảm thông thường, em truyền dịch, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Việc khát nước thường xuyên khiến em liên tục uống các loại nước ngọt và nước điện giải. Sau đó, em bắt đầu nôn ói, rơi vào hôn mê và nhập cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết tiểu đường type 1 thường phát hiện lần đầu khi bệnh nhân rơi vào bệnh cảnh nhiễm toan ceton, tương tự như tình trạng lúc nhập viện của em T. Khác với tiểu đường type 2 (thiếu insulin tương đối), tiểu đường type 1 là tình trạng thiếu insulin tuyệt đối vì tụy (nơi sản xuất insulin) bị phá hủy phần lớn.

Điều này khiến cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm toan ceton vì rối loạn chuyển hóa do đường máu quá cao. Nếu không điều trị kịp thời dẫn đến hôn mê, suy đa tạng và tử vong.

Bác sĩ Trúc giải thích tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn mạn tính, tức cơ thể tự sinh ra những kháng thể “chống lại” chính cơ quan bên trong của bệnh nhân, cụ thể ở đây là tụy. Việc phá hủy này có thể xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm đến khi tuyến tụy không thể sản xuất ra insulin nữa dẫn đến thiếu hụt hoàn toàn insulin, không thể cân bằng đường trong máu khiến đường huyết tăng cao. Do đó, điều trị tiểu đường type 1 bắt buộc phải cần tiêm insulin. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị tiểu đường type 1. Tuy nhiên, bệnh gặp nhiều hơn ở trẻ dưới 20 tuổi.

Hiện nay, các nhà khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch tấn công tế bào sản xuất insulin gây bệnh tiểu đường type 1.

lien tuc uong cac loai nuoc ngot nu sinh 15 tuoi hon me va phat hien tieu duong hinh 2

Bác sĩ Trúc kiểm tra lại sức khỏe cho em T. trước khi ra viện. (Ảnh do BVCC).

Bệnh thường diễn tiến vài tháng đến vài năm trước khi các triệu chứng đầu tiên được chú ý. Các triệu chứng chuyển hóa điển hình là “4 nhiều” bao gồm: tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sụt cân.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, mờ mắt, thường xuyên bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiểu hoặc âm đạo, đái dầm xuất hiện ở trẻ trước đó không bị đái dầm,… Các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 bao gồm: bứt rứt, lú lẫn, thở nhanh sâu (nhịp thở Kussmaul), hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín…), đau bụng, hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hệ quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Trúc cho biết không giống với tiểu đường type 2, tiểu đường type 1 khó phòng ngừa cũng như sàng lọc tầm soát. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là không chủ quan khi nghĩ rằng “còn trẻ thì không mắc tiểu đường” hay “tiểu đường là bệnh của người già”. Chúng ta nên biết những triệu chứng của tiểu đường và đến khám bác sĩ khi nghi ngờ để nhận được chẩn đoán và tư vấn chính xác nhất.

Lê Trang

CTV