Tòa án EU bác đơn kháng cáo trừng phạt của tỷ phú Nga

09/02/2024 06:52

(CLO) Tỷ phú kinh doanh kim loại người Nga Alisher Usmanov sẽ vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của EU, Tòa án Công lý châu Âu tuyên bố hôm thứ Tư (7/2), bác bỏ kháng cáo của ông.

Vào ngày 28/2/2022, doanh nhân nổi tiếng này đã bị EU liệt vào danh sách trừng phạt, ngay sau khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine.

Sau đó, châu Âu mô tả ông Usmanov có “mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ” với Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời tuyên bố rằng ông “tích cực ủng hộ các chính sách của Chính phủ Nga gây bất ổn ở Ukraine”. Đáp lại, vị tỷ phú đã đấu tranh chống lại những hạn chế chống lại ông tại các tòa án EU kể từ đó.

toa an eu bac don khang cao trung phat cua ty phu nga hinh 1

Hình ảnh tỷ phú Alisher Usmanov. Ảnh: Sputnik.

Vào năm ngoái, tỷ phú ngành kim loại nói với các thẩm phán EU, ông đã bị các quan chức chỉ trích một cách bất công vì khối tài sản tích lũy được và vì là một “biểu tượng hữu hình” được công chúng biết đến.

Tỷ phú Usmanov nắm giữ cổ phần lớn trong USM, một tập đoàn đầu tư của Nga có cổ phần tại Metalloinvest, một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới và công ty viễn thông MegaFon. Giá trị tài sản ròng của ông được cho là lên tới 14,4 tỷ USD. Người đàn ông 70 tuổi này bị Anh, EU và Mỹ trừng phạt.

Tòa án hàng đầu EU cũng đã bác bỏ đơn kháng cáo tương tự của cựu phó thủ tướng thứ nhất của Nga, Igor Shuvalov.

Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận để tung ra gói trừng phạt thứ 13, có thể bao gồm các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn, cũng như biện pháp nhằm hạn chế việc “né” lệnh cấm vận thông qua các nước thứ ba và công ty châu Âu.

Cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt mới diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực thuyết phục Hungary, đồng minh thân cận nhất của Nga trong khối, từ bỏ quyền phủ quyết đối với khoản viện trợ tài chính 50 tỷ euro cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 1/2.

EU cũng đang thảo luận về việc thành lập quỹ mới để cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, hiện khối này chưa đạt được đồng thuận về cách thay thế quỹ hiện có được sử dụng để hoàn trả số vũ khí mà các quốc gia thành viên đã gửi cho Ukraine.

Điệp Nguyễn (Theo RT)

CTV