Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động vận tải

28/12/2023 14:57

(CLO) Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trọng tâm là rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vận tải, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ,...

Đánh giá của Bộ GTVT, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Vận tải hàng hóa 11 tháng ước đạt 2.062 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. 2022. Vận chuyển hành khách ước đạt 4.203 triệu lượt, tăng 11,5%.

day manh phan cap phan quyen trong hoat dong van tai hinh 1

Trong năm 2023, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng cao so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.

Trong đó hoạt động vận tải đường bộ cơ bản ổn định, đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, nhất làphương tiện từ 10 chỗ trở lên.

Kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định; kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố.

Đồng thời phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030” và một trong những nội dung quan trọng là đến năm 2025 xây dựng xong hệ thống quản lý, tự động tổng hợp, chia sẻ các lỗi vi phạm của phương tiện vận tải.

Với hoạt động vận tải hàng không tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị trong ngành bổ sung tải cung ứng trong các giai đoạn cao điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Tích cực trao đổi với các nhà chức trách hàng không để khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới.

Đến nay vận chuyển quốc tế đang dần hồi phục với hơn 61 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác 147 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó đưa hệ thống sinh trắc học và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong việc làm thủ tục hàng không tại tất cả các cảng hàng không.

Nâng cao hiệu quả công tác điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại các cảng hàng không thông qua việc kết hợp hài hòa năng lực đáp ứng của hệ thống (dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, nhà ga, sân đậu, giao thông tiếp cận,...) với nhu cầu thị trường.

Đối với hoạt động vận tải đường sắt, tỷ lệ tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt hơn 99%, đến đúng giờ đạt từ 91 đến 93%.

Bộ GTVT đã quyết định thiết lập 1 ga liên vận quốc tế mới tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra một cửa khẩu quốc tế trong nội địa. Mở nhiều đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần, Yên Viên đi Trung Quốc.

Phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Cục Đường sắt Việt Nam về địa phương thực hiện đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng trên địa bàn quản lý.

Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đường sắt (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP) nhằm sử dụng hiệu quả các phương tiện giao thông đường sắt đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.

Hoạt động vận tải hàng hải, đường thủy nội địa được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển, thủy nội địa.

Bộ GTVT đã tập trung bố trí  nguồn lực đầu tư giải quyết các điểm nghẽn trên các tuyến hành lang vận tải thủy như nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 2; nâng cao tĩnh không các cầu trên các hành lang vận tải thủy chính khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không cầu Đuống; đầu tư kênh nối Đáy - Ninh Cơ (dự án WB6); nâng cấp hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam.

Các tuyến luồng hàng hải công cộng như luồng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), luồng Quy Nhơn (Bình Định), luồng Thọ Quang (Đà Nẵng), luồng Nghi Sơn.

Ngoài ra triển khai thu hút đầu tư các khu bến cảng biển quan trọng có nhu cầu thông qua hàng hóa lớn gồm Khu bến Liên Chiểu (Đà Nẵng), Khu bến Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Khu bến Trần Đề (Sóc Trăng), các bến tiếp theo của Khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), Khu bến Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu bến Vân Phong (Khánh Hòa).

Tập trung phát triển đội tàu vận tải biển và phương tiện thủy nội địa. Tính đến hết ngày 21/11/2023 tổng số tàu biển, phương tiện đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia là 1.508 phương tiện.

Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm và đảm nhận khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thế Anh