Khai thác tạm tuyến chính cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ an toàn, hiệu quả
(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông trong giai đoạn khai thác tạm tuyến chính dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) tổ chức triển khai thi công, cơ bản hoàn thành các hạng mục của tuyến chính và quyết định đưa vào khai thác tạm thời ngày 23/12/2023.

Thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông trong giai đoạn khai thác tạm tuyến chính dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: TL.
Tuy nhiên vẫn còn khối lượng các công việc cần hoàn thiện như nút giao, cầu vượt ngang, đường gom, hoàn thiện hàng rào,...
Để sớm hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào sử dụng, đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát cập nhật.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Dự án được khởi công vào tháng 1/2021, đưa vào khai thác tạm từ ngày 23/12/2023.
Điều chỉnh (nếu cần) các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến, các vị trí nút giao nhằm tăng cường an toàn giao thông.
Cùng với đó Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát nghiêm túc tuân thủ phương án tổ chức giao thông trong quá trình triển khai thi công các hạng mục còn lại.
Phải có phương án tổ chức đảm bảo an toàn giao thông được chấp thuận; các phương tiện, thiết bị thi công phải có biển hiệu theo quy định.
Quá trình thi công phải có người điều hành giao thông và trang thiết bị phụ trợ để đảm bảo an toàn và cảnh báo các phương tiện giao thông khác.
Đặc biệt đối với nút giao Chà Và cần có phương án tổ chức giao thông phù hợp đối với dòng xe hướng từ TP.Vĩnh Long đến Thị xã Bình Minh, tránh giao cắt xung đột với dòng xe từ tuyến chính đi TP.Cần Thơ.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các đơn vị liên quan có trách nhiệm quản lý, khai thác đoạn tuyến đưa vào khai thác tạm theo quy định. Bố trí đủ lực lượng điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông, nhất là tại các lối ra vào cao tốc.
Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương,...kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.