Bất chấp chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, trong đền Bảo Lộc vẫn diễn ra việc mua bán ấn
(CLO) Sau 1 ngày UBND tỉnh Nam Định ra văn bản chỉ đạo huyện Mỹ Lộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt việc thu tiền – mua bán ấn tại đền Bảo Lộc. Sáng 20/2 theo ghi nhận nơi này vẫn diễn ra việc bỏ tiền vào ngăn kéo sau khi lấy ấn trong cung cấm.
Theo đó, những ngày vừa qua tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, rất đông người dân từ khắp nơi đổ về đây chiêm bái, cầu may. Lợi dụng việc tự do tín ngưỡng của người dân khi về đền, dọc con đường dẫn vào cửa đền Bảo Lộc đã có tình trạng hàng chục hàng quán viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh, hàng mã, cờ, đổi tiền lẻ...
Dù chưa khai ấn, nhưng khách hành hương được mời chào quảng cáo đủ các loại ấn đã được đóng dấu sẵn.

Cổng vào đền Bảo Lộc (Nam Định).
Phía bên trong cùng là “cung cấm”, có 1 cửa ngách nhỏ ai cũng có thể ra vào tự do. Để tự tay được đóng ấn, khách hành hương phải chui qua một cánh cửa nhỏ và sau khi lấy ấn sẽ được đọc giá tiền cho từng loại rồi cho tiền vào ngăn kéo bên cạnh.
Ngay sau khi hiện trạng đó bị phản ánh, trong ngày 19/2, UBND tỉnh Nam Định cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Lộc kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội.
Trong văn bản trực tiếp ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã giao UBND huyện Mỹ Lộc khẩn trương kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 21/2.
Ngoài ra ông Đoài còn yêu cầu UBND huyện Mỹ Lộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan…
Liên quan đến hoạt động thu tiền, mua bán ấn diễn ra tại đền Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, ngay sau báo chí đưa tin, chính quyền địa phương đã xác minh và cho dừng hoạt động mua bán ấn trong nội cung đền Bảo Lộc.

Vào "cung cấm" phải chui qua 1 cửa nhỏ thấp khoảng 1m.
Thế nhưng, 1 ngày sau đó, vào sáng 20/2 theo ghi nhận của PV, tại phía trong "cung cấm" của đền Bảo Lộc vẫn còn tình trạng người dân vào lấy ấn và bỏ tiền vào ngăn kéo theo sự hướng dẫn của người đóng ấn.
Phía bên trong căn phòng rộng khoảng 10m2, một người đàn ông liên tục xếp những chồng vải mới lên chờ khách đóng ấn và hướng dẫn du khách xếp hàng lần lượt tự đóng ấn.
Thay vì để khách hành hương phát tâm, tự nguyện đóng góp, một bộ ấn và bùa hộ mệnh ở đền Bảo Lộc được phát giá công khai với nhiều loại và mệnh giá tiền khác nhau.
Trước sự việc này, thông tin với báo chí ông Đặng Huy Hiệp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, cho biết trong sáng cùng ngày, lực lượng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động mua bán ấn tại đền Bảo Lộc.
"Chúng tôi đã yêu cầu ban quản lý viết cam kết không tái phạm, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng trên lại diễn ra", ông Hiệp thông tin. Theo ông Hiệp, số tiền từ việc người dân 'mua ấn' do nhà đền quản lý, và số tiền trên dùng cho việc tu bổ và nhanh khói tại đền.

Rất đông người dân tập trung vào bên trong "cung mẫu" lấy ấn.
"Việc xử lý những người thu tiền viết sớ, bán ấn cần phải tuyên truyền vận động, lâu dài, vì là người dân địa phương nên không thể cứng nhắc được", ông Hiệp lý giải.
Được biết, vào ngày 19/2 Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng Công an tỉnh và thanh tra đã làm việc với Ban quản lý đền Trần (Bảo Lộc) liên quan sự việc báo chí nêu về tình trạng bán lá ấn.
Việc quản lý đền Bảo Lộc đã phân cấp cho huyện Mỹ Lộc và xã Mỹ Phúc, nếu để xảy ra vi phạm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về các đơn vị trên.