Cơ quan báo chí địa phương đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường
(CLO) Với đặc thù gần dân sát cơ sở, nhiều cơ quan báo chí ở địa phương đã nỗ lực thực hiện tốt việc tuyên truyền về môi trường xanh, sạch, đẹp. Hoạt động của họ đã đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của địa phương.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí ở địa phương đã làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt tạo sự lan tỏa và hiệu ứng truyền thông tốt về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Nhiều cơ quan báo chí ở địa phương không chỉ đưa tin dựa trên các văn bản pháp luật, mà còn tập trung phản ánh những vấn đề về thực thi pháp luật ở thực tiễn.
Vấn đề xả thải, khói bụi, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên…đều được phản ánh qua các cơ quan báo chí ở nhiều địa phương, qua đó tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để có biện pháp khắc phục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống.

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: NVCC
Là phóng viên theo dõi mảng môi trường, đã từng có nhiều phóng sự phản ánh về tình trạng ô nhiễm, tàn phá tài nguyên, nhà báo Đức Lập – Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình cho biết, "chúng tôi gặp nhiều khó khăn, việc cản trở từ phía doanh nghiệp, tổ chức cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề chúng tôi sẽ cố gắng lấy được những hình ảnh chân thực nhất, bằng chứng rõ ràng nhất để gửi đến khán giả".
Luôn có mong muốn truyền tải cho khán giả một cái nhìn sống động, về thực tế môi trường ở cơ sở, đối với người làm truyền hình họ phải đi đến tận nơi. Nhờ vậy rất những vụ việc về điểm nóng ô nhiễm môi trường đã được đưa lên sóng truyền hình.
Như gần đây nhà báo Đức Lập và đồng nghiệp đã có những phóng sự, phản ánh về việc đốt rác thải nhựa sai quy định ở phường Minh Khánh, thành phố Ninh Bình; việc xả thải ở huyện Kim Sơn; vấn đề lấn chiếm sông xây dựng trang trại trái phép…ngay sau khi cơ quan báo chí phản ánh các ngành chức năng tỉnh đã phối hợp giải quyết. Sự vào cuộc của các nhà báo, sự cổ vũ của người dân đã tạo sức ép dư luận buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục và xử lý môi trường.
Thực tế cho thấy, khi phản ánh hoặc đưa tin về vấn đề môi trường, phóng viên sẽ đối mặt với khá nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm”. Khác với các phóng viên ở trung ương, phóng viên ở địa phương phải đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp, nhưng họ vẫn luôn phải đi trước, mở đường, thượng tôn pháp luật, dẫn dắt tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.
Vì vậy, khi đưa tin vấn đề này phóng viên, nhà báo môi trường cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, coi sự thật là nguyên tắc tối thượng, thông tin khách quan, kịp thời có sự kết nối và tác động thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng. Từ đó, định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tránh tạo ra điểm nóng, gây rối loạn môi trường truyền thông...
Được biết, với mục tiêu tuyên truyền một cách có hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này, trong đó có chuyên mục “Vì chất lượng cuộc sống” có 4 số trong một tuần, được phát ngay sau bản tin thời sự hàng ngày, đã tuyên truyền kịp thời, chân thực về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra trong các bản tin thời sự hàng ngày và một số chuyên mục thì vấn đề bảo vệ môi trường cũng được nêu, được lồng ghép vào. Như đưa vào mục: Xây dựng Nông thôn mới; công nghiệp và thương mại… nhờ vậy công tác tuyên truyền đã phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

Nhà báo Nguyễn Tùng (áo trắng) trong chuyến tác nghiệp ở cơ sở. Ảnh: NVCC
Cũng nhiều lần làm các phóng sự về môi trường, nhà báo Nguyễn Tùng - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ phản ánh vấn đề môi trường cũng chính là phản ánh những vấn đề gần gũi với người dân, như: vấn đề xử lý rác thải không đúng nơi quy định; các công ty, nhà máy, xí nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh…Chúng tôi phản ánh, đưa lên sóng để dư luận để người dân cùng biết và để cùng tham gia giám sát, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống sạch đẹp hơn”.
Thực tế nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền nên công tác bảo vệ môi trường ở chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cải thiện, nhiều vụ việc vi phạm về môi trường bị xử lý nghiêm sau khi báo chí phản ánh đã tạo ra sự răn đe, từ đó hạn chế được vi phạm. Bên cạnh đó là những điển hình tiên tiến, mô hình hay về bảo vệ môi trường được người dân biết đến và học tập, nhân rộng…kết quả này cũng phản ánh ghi nhận được sự cố gắng nỗ lực của các phóng viên, biên tập viên.
Có thể khẳng định, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan báo chí ở địa phương giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để tuyên truyền các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân, vì một tương lai xanh, sạch, đẹp và vững bền.