Kon Tum: Người phụ nữ 51 tuổi tử vong sau hai năm bị chó cắn
(CLO) Bà D. nhập viện điều trị vì bệnh lý sỏi thận, nhưng trong quá trình điều trị, người bệnh có những triệu chứng giống bệnh dại như: Sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động…Trước đó bà D. từng bị chó cắn nhưng không đi tiêm vắc xin ngừa dại.
Ngày 29/3, ông Tiêu Viết Trinh – Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) xác nhận, trường hợp nghi mắc bệnh dại trên địa bàn trước đó đã tử vong. Bệnh nhân là bà Y.D (51 tuổi, trú tại thôn Đăk Neang, xã Tu Mơ Rông).
Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Tu Mơ Rông, trước đó vào ngày 15/3, bệnh nhân đến khám tại khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum để điều trị nhiễm trùng tiết niệu/suy thận/tăng huyết áp.
Đến ngày 18/3, bệnh nhân được chuyển qua khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị bệnh. Ngày 25/3, bệnh nhân có triệu chứng kích thích, co giật, thỉnh thoảng lên cơn gầm gừ.

Bà Y. D có các triệu chứng giống bệnh dại như: Co giật, chảy nước dãi, khó thở, sợ nước, sợ gió...
Sau đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội chẩn toàn viện, kết luận:Theo dõi bệnh dại lên cơn/suy thận/sỏi thận 2 bên. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị. Tại đây bệnh nhân đã co giật, chảy nước dãi, khó thở, sợ nước, sợ gió. Sau đó, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Đến 18h30 ngày 28/3 bệnh nhân đã tử vong. Kết luận bệnh lý của bà Y.D là bị sỏi thận 2 bên/ tăng huyết áp/ nhiễm trùng đường tiết niệu/ td dại.
Theo người nhà, bà Y.D bị chó cắn vào khoảng tháng 11/2022. Sau khi bị chó cắn người này không đi tiêm vắc xin ngừa dại. Theo chủ hộ nuôi chó, sau khi cắn bà Y.D thì con chó vẫn sống bình thường. Đến tháng 10/2023, gia đình này đã giết chó làm thịt.
Bác sĩ Lê Vũ Thức - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, khuyến cáo: “Đối với những người không may bị chó cắn, việc đầu tiên là phải rửa vết thương bằng nước sạch với xà phòng trong khoảng 15 phút. Sau đó tiếp tục sát khuẩn vết thương lại bằng cồn 70 độ hoặc cồn iốt và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin, huyết thanh phòng ngừa bệnh dại. Đối với những người nuôi chó, nuôi mèo nên tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi và phải nhốt giữ, không nên thả rông”.