Ninh Bình: Thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
(CLO) Tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra trên cả nước, trong đó có Ninh Bình. Hiện, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh thấp, chưa đạt chỉ tiêu tiến độ theo kế hoạch.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, năm 2023, tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra trên cả nước, trong đó có Ninh Bình. Hầu hết các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều bị gián đoạn cung ứng từ Trung ương, khiến cho tỷ lệ tiêm chủng đa số các vắc xin trên địa bàn tỉnh không đạt tiến độ và mục tiêu kế hoạch.
Đặc biệt là hai loại vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) cho trẻ dưới 1 tuổi và vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên bị ngừng cung ứng trong một thời gian dài, khiến cho tỷ lệ tiêm chủng hai loại vắc xin rất thấp.

Tỷ lệ tiêm chủng đa số các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Trường
Tỷ lệ tiêm 5 trong 1 đạt 70% và tỷ lệ tiêm DPT chỉ đạt 45,7% và tỷ lệ này đã bao gồm số liệu trẻ được tiêm chủng các vắc xin dịch vụ; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi chỉ đạt 82,5%.
Đầu tháng 1/2024, Ninh Bình đã tiếp nhận từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 10/11 loại vắc xin (trừ vắc xin IPV phòng bệnh bại liệt) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phân bổ cho các đơn vị triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, số lượng một số loại vắc xin mới đảm bảo đủ nhu cầu tiêm chủng tháng 1/2024 và một phần nhu cầu tháng 2/2024 của tỉnh Ninh Bình.
2 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng tất cả các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt chỉ tiêu tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin IPV phòng bại liệt cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ rất thấp do trong 2 tháng đầu năm chưa được cấp vắc xin từ Trung ương.
Ông Lê Hoang Nam - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện tỉ lệ tiêm chủng tất cả các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều chưa đạt chỉ tiêu tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, tỉ lệ tiêm chủng vaccine IPV phòng bại liệt cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỉ lệ rất thấp do từ đầu năm chưa đến nay chưa được cấp.
Theo Kế hoạch phân bổ tháng 3, tháng 4/2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Ninh Bình sẽ tiếp tục được phân bổ 9/11 loại vắc xin, còn 2 loại vắc xin SII tức là vắc xin 5 trong 1 và IPV chưa có kế hoạch cấp bổ sung. Riêng đối với vắc xin SII từ năm 2023 và đầu năm 2024 hầu hết là vắc xin từ nguồn tài trợ, viện trợ, vì vậy Bộ Y tế chưa chủ động được trong hoạt động mua sắm và phân bổ vắc xin này.
Vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Hậu quả của thiếu vắc xin là rất lớn, với nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm mà chúng ta đã khống chế được. Việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ảnh hưởng đến khả năng phòng bệnh của trẻ khi không được tiêm đủ. Nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin vẫn tiếp diễn, có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như: sởi, bạch hầu, ho gà...
Thực tế đã cho thấy, năm 2023 dịch bạch hầu quay trở lại ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tại Ninh Bình, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024 cũng đã xuất hiện các trường hợp mắc ho gà sau hơn 3 năm liên tục không có ca mắc.
Trong thời gian tới, nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt không triển khai tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét các loại vắc xin bị thiếu trong giai đoạn trước thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh như sởi, bạch hầu, rubella, ho gà…
Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả đối với các loại vắc xin được cung ứng đầy đủ.
Đối với các vắc xin bị thiếu, khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, đồng thời theo dõi kỹ tình trạng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để đưa trẻ đi tiêm bù tiêm vét ngay khi có vắc xin...