Ga Cao Xá (Hải Dương): Mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa mới bằng đường sắt
(CLO) Từ ga Cao Xá sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt: Cao Xá - Yên Viên - Đồng Đăng và Cao Xá - Yên Viên - Lào Cai. Hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Hiện ga Cao Xá (Hải Dương) đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải.

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt ga Cao Xá phục vụ vận tải. Ảnh: TL.
Bãi hàng khoảng 5.400m2 bốc xếp được container, đường bộ vào bãi hàng và công trình kiến trúc nhà ga để đủ điều kiện khai thác vận tải, trong đó có chạy tàu liên vận quốc tế.
Sau khi được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ tiếp tục mở rộng bãi hàng lên khoảng 10.000m2, đầu tư xây mới các hạng mục công trình liên quan để có thể triển khai thực hiện thủ tục hải quan tại ga với hàng xuất nhập khẩu.
Từ ga Cao Xá sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt: Cao Xá - Yên Viên - Đồng Đăng và Cao Xá - Yên Viên - Lào Cai. Hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương sẽ cung cấp thêm giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á...
Lựa chọn phương thức rút ngắn thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống; thực hiện các thủ tục khai báo, xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh.
Hiện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thường xuyên có quan hệ ngoại thương với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu cao.
Tính riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn tỉnh đạt 17,6 tỷ USD; trong đó lượng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc đạt gần 3,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 20%.
Tuy nhiên hầu hết hàng hóa xuất, nhập khẩu tới thị trường Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua đường bộ và đường biển; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các tuyến đường sắt chưa khai thác được nhiều.
Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, với định hướng phát triển Hải Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập trung các dịch vụ logistics phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp.
Đưa dịch vụ logistics thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh,...
Việc mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa mới bằng đường sắt có thể giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu (Kazakhstan, Nga, Belarus và các nước châu Âu).
Ga Cao Xá là ga hàng hóa rất gần với Quốc lộ 5, sông Thái Bình và đặc biệt rất gần với các khu công nghiệp lớn như Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Nam Sách... thuận tiện cho kết nối giao thông đa phương thức.
Tỉnh Hải Dương đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương liên quan lập và triển khai các dự án cải tạo mở rộng tuyến đường kết nối từ ga Cao Xá với Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cảng Tiên Kiều.