Những chiến sỹ Điện Biên kể chuyện năm ấy
(CLO) 70 năm đã trôi qua, những người lính Điện Biên vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó và hào hùng khi nhắc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiến sỹ liên lạc
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, buộc Thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương là sự kiện lịch sử vĩ đại, là bản anh hùng ca cách mạnh của dân tộc.

Những nhân chứng sống chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong cuộc chiến khốc liệt, đã có nhiều người con ưu tú của Thanh Hoá trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng trăm người tham gia du kích, dân công hỏa tuyến… một trong số những nhân chứng lịch sử ấy là ông Nguyễn Bá Viết, năm nay 90 tuổi, trú tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, TP Thanh Hoá.
Khi ấy, ông Viết mới chỉ là chàng thanh niên 18 tuổi tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ. Sau đợt tuyển quân, đoàn thanh niên xung phong bắt đầu hành quân từ Thanh Hoá đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì.
Ông Viết hồi tưởng lại, từ Thanh Hoá hành quân qua đường rừng núi vào Hoà Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, bằng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.
Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật.

Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu như cháo loãng, nhiều bữa còn không có gì chỉ có chút rau rừng làm canh.
Sau khi đến Ngã ba Cò Nòi, bắt gặp những đoàn quân từ các tỉnh thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn. Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên với ý chí, quyết tâm giành chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi lên Điện Biên Phủ, ông Viết được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388. Một thời gian, được điều lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89.
Khi chuẩn bị bắt đầu chiến dịch Điện Biện Phủ, ngày 13/3/1954, sau khi nhận lệnh của cấp trên về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam. Sau một đêm giành giật 3 lần, đến gần sáng thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu
Sau 56 ngày đêm chiến đấu quả cảm, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ đã tạo nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chân động địa câu.
Những khó khăn, vất vả, gian lao mà ông hay bất kỳ người chiến sỹ tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ ngày ấy đến tận bây giờ vẫn rất tự hào vì đã tham gia một chiến dịch vẻ vang, một chiến dịch lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những ký ức còn sâu đậm trong tim của người chiến sỹ Điện Biên năm ấy là tình cảm anh em, đồng chí đồng đội. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Chí Thọ là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89, sau đó chuyển ông Viết từ thông tin liên lạc đại đội lên tiểu đoàn mà lúc này ông còn chưa biết điều đó.
Cũng kể từ đó, hai anh em trở nên thân thiết với nhau, chia sẻ với nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, vất vả nơi núi rừng Điện Biên.
"Khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hy sinh của đồng chí Thọ đã làm cho tôi cảm thấy đau lòng, bối rối vì một người anh em, một người đồng chí thân cận cùng mình chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay. Mãi đến sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình", ông Viết bồi hồi nhớ lại.

Ông Đức luôn cảm thấy đau lòng, bối rối trước những người anh em, đồng đội đã hy sinh
Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã ở tuổi 90 nhưng vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Viết luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Đồng thời, tích cực tham gia giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Chiến sỹ phòng ngự
Tìm về phố Phù Lưu, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoá, phóng viên gặp được Chiến sỹ Điện Biên Bùi Văn Đức năm ấy. Dù ở tuổi 90 nhưng ông vẫn nhớ như in những năm tháng lịch sử hào hùng đã đi qua.

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đức kể: "Tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 19 tuổi. Hành quân từ Thanh Hoá đi Mộc Châu sau đó quay về Phú Thọ luyện tập để tăng cường cho Chiến dịch Điện Biên.
Vào chiến dịch ông được bổ sung vào sư đoàn 12, tiểu đoàn 428, đại đội 39 làm nhiệm vụ phòng ngự ở ngã tư sân bay Mường Thanh, Điện Biên. Thực hiện nhiệm vụ, ông và đồng đội phải đào các hầm, hào, đánh lấn bằng bùi nhùi rơm.
Trong dòng hồi tưởng, ông Đức nhớ lại, trên bầu trời Mường Thanh thời điểm đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ, pháo sáng như ban ngày.

“Chiều tối 7/5, sau khi nghe tin toàn bộ quân địch tại khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Chúng tôi không kìm được sự sung sướng, ôm nhau nhảy múa, hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”, ông Đức nhớ lại những phút giây lịch sử trong ngày chiến thắng.
Dù đã ở tuổi 90 với 60 năm tuổi Đảng, nhưng ông vẫn là người có uy tín tại địa phương với nhiều huân huy chương như Huy chương hạng Nhất chống Pháp; Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên,...
Thanh niên xung phong phá bom nổ chậm
Cũng giống như những thanh niên thời ấy, ông Nguyễn Sỹ Huy, sinh năm 1931, trú tại phố Thành Tráng, phường Quảng Thành, TP Thanh Hoá lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng.
Tham gia thanh niên xung phong vào tháng 10/1952, ông được vào đơn vị 293 đội 34 lên Tây Bắc làm nhiệm vụ phá bom, mở đường cùng với bộ đội và dân công hoả tuyến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau đó, ông được cử đi học về phá bom nổ chậm sau đó cùng các anh em phụ trách tại đỉnh đèo Pha Din. Hồi tưởng lại quá khứ đầy hào hùng, ông còn nhớ mãi khi giặc Pháp ném bom xuống sân bay trong đó có một số bom nổ chậm.
Khi nhận nhiệm vụ phá bom thì không may hẹn giờ bom nổ sai khiến 3 anh em trong tổ đều bị thương và may mắn sống sót. Chia sẻ lại cảm xúc thời ấy, ông Huy nói rằng khi thấy anh trai ruột tham gia thanh niên xung phong, bản thân ông cũng trốn bố mẹ lên đường.
Những câu chuyện của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử, “cả nước cùng nhau ra trận” làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn rất nhiều và dài.
Điểm chung nhất trong câu chuyện của những người lính Điện Biên, họ đều là những người quả cảm, có tình yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào của dân tộc và tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Qua những lời kể của ông Viết, ông Đức, ông Huy,... những ký ức hào hùng đó là động lực để hế hệ trẻ trân trọng hòa bình, không ngừng cống hiến, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Hà Anh