Bài cuối: Doanh nhân, nhà sư có tiền cũng không có "cửa" để được phong giáo sư, tiến sĩ danh dự trong nước

06/04/2024 08:53

(CLO) Căn cứ vào quy định để được phong tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự tại Việt Nam thì không có bất cứ một doanh nhân, nhà sư nào đã từng được quốc tế phong tặng có thể đáp ứng được yêu cầu vì tiêu chí rất cao, quy trình rất khắt khe.

Không đạt bất cứ tiêu chí nào

Việc nhiều nhà sư, doanh nhân được các tổ chức nước ngoài phong giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu có thực lực sao các tổ chức trong nước không phong cho  những vị doanh nhân này giáo sư, tiến sĩ danh dự.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, hiện tại quy định phong giáo sư danh dự ở Việt Nam rất chặt chẽ, với những doanh nhân, nhà sư được các tổ chức nước ngoài phong tặng sẽ không có cơ hội được phong tặng.

bai cuoi doanh nhan nha su co tien cung khong co cua de duoc phong giao su tien si danh du trong nuoc hinh 1

Nhiều người được phong là giáo sư quốc tế nhưng về trong nước không phải là giáo sư (ảnh nguồn internet).

Cụ thể, Nghị định Số: 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục yêu cầu chỉ phong tặng chức danh giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự cho nhà giáo, nhà khoa học và nhà hoạt động chính trị, xã hội.

Điều kiện phong tặng phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng. 

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có uy tín quốc tế, có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho tình hữu nghị, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng. Một người muốn phong giáo sư danh dự phải có bằng tiến sĩ.

Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục đại học phải có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hoặc Cơ quan đại diện của nước có người được đề nghị phong tặng có ý kiến việc không vi phạm pháp luật của Việt Nam, pháp luật của nước sở tại và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chiếu theo các quy định trên, doanh nhân, nhà sư không thể đáp ứng bất cứ tiêu chí nào để được phong tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự.

Khi so sánh các tiêu chí trong nước ta áp vào các giáo sư danh dự được các tổ chức nước ngoài phong tặng nhiều người giật mình. Bởi ở Việt Nam muốn phong giáo sư danh dự thì phải có học vị tiến sĩ. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài phong cho những cá nhân trình độ lớp 3 chưa qua lớp 10, người học vị cao cũng mới cử nhân. 

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi về chất lượng sau những danh hiệu giáo sư danh dự do quốc tế phong tặng cho các tên tuổi như: bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng; ông Nguyễn Đình Thắng chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ; ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (BUSADCO), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST);

Ông Nguyễn Văn Sáu - tức Hòa thượng Thích Huệ Ðăng; ông Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP “Gốm đất Việt”…

Giáo sư, tiến sĩ không phải ai thích thì xưng

Sau khi được phong tặng là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự ở nước ngoài, có nhiều vị tự gắn mác là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân đặt mình ngang bằng hoặc cao hơn giáo sư, tiến sĩ thật do nhà nước xét, phong tặng.

Nhiều người tự xưng là giáo sư, tiến sĩ mà không ghi rõ giáo sư danh dự hay tiến sĩ danh dự gây hiểu nhầm.

Trước thực tế thật giả lẫn lộn này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có những trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Theo ông Trần Anh Tuấn, những người được phong giáo sư, tiến sĩ danh dự khi muốn sử dụng danh xưng trên tại Việt Nam cần phải ghi rõ giáo sư, tiến sĩ danh dự do đơn vị nào phong tặng. Còn nếu một người tự nhận mình là giáo sư, tiến sĩ nhưng bản chất là giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự là không đúng pháp luật.

“Ở Việt Nam, ngay cả những người đạt tiêu chí phong giáo sư nhưng không được một cơ sở giáo dục đại học nào trong nước bổ nhiệm thì cũng chưa phải giáo sư. Trong khi những vị giáo sư danh dự còn chưa được xét thì rõ ràng càng không đạt chuẩn để gọi là giáo sư” – ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc tổ chức nào đăng tin, đưa tin những giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự mà không ghi rõ ràng, mập mờ thông tin, gây hiểu nhầm cho công chúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những người được quốc tế phong tặng giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự cũng cần có thẩm định trong nước nếu họ muốn được thừa nhận là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự trong nước.

Việc sử dụng chức danh đi liền với chức danh được phong tặng thì phải đăng ký. Thí dụ, ông doanh nhân Nguyễn Văn A nhưng thích gọi là Giáo sư, tiến sĩ danh dự Nguyễn Văn A thì phải thẩm định.

Còn sau danh hiệu đó có giải thích ông Nguyễn Văn A, giáo sư, tiến sĩ danh dự được cơ quan nước ngoài X tặng thì thôi.

Thực trạng doanh nhân, nhà sư trong nước không đạt tiêu chí để phong tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự trong nước nhưng ra nước ngoài được nhiều tổ chức phong tặng ngày một nhiều.

Có những đợt phong tặng đến hàng chục người. Thực trạng trên càng làm trầm trọng thêm thói thích danh hão, háo danh, thích thể hiện, “phông bạt” trong xã hội hiện nay. Đó là mặt trái cần phải được chấn chỉnh kịp thời.

Trinh Phúc