Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân
(NB&CL) Mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chồng lấn trên 24 héc ta đất rừng phòng hộ, nhưng BQL Rừng phòng hộ Bà Rịa - Vũng Tàu suốt một thời gian dài vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.
Phản ánh đến Báo Nhà báo & Công luận, Trụ trì chùa Linh Sơn Bửu Thiền tại KP. Vạn Hạnh, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện theo ủy quyền của một số hộ cho biết, Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập đã khai thác lấn chiếm trên 24 héc ta rừng phòng hộ của các hộ được Ban quản lý rừng phòng hộ Bà Rịa Vũng Tàu giao khoán năm 2004, gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài nguyên, khoáng sản, rừng phòng hộ của Nhà nước.

Người dân gửi Đơn khiếu nại, phản ánh bị xâm phạm hàng chục héc ta đất rừng phòng hộ được giao khoán tại tiểu khu Tóc Tiên, TX Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh: B.Q
Cụ thể gồm: Hộ gia đình ông Phan Hiệp Đinh người sử dụng và bảo vệ đất rừng phòng hộ theo hợp đồng số 17/TT/HĐK, diện tích được giao là 6,9 héc ta thuộc số lô số 32 khoản VII; Ông Lê Văn Thêu hợp đồng số 18/TT/HĐK, diện tích được giao 14,7 héc ta thuộc số lô số 31 và lô 29 khoản VII; Ông Đỗ Khắc Trí hợp đồng số 19/TT/HĐK diện tích được giao 14,3 héc ta thuộc số lô số 33 và lô 34 khoản VII; Ông Ngô Văn Giáo hợp đồng số 20/TT/HĐK, diện tích được giao 14,5 héc ta thuộc số lô số 35 khoản VII. Các hợp đồng này đều được ký ngày 8/7/2004, tại tiểu khu Tóc Tiên.

Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh: B.Q
Trước sự việc trên, từ năm 2015 các hộ đã gửi đơn đề nghị nhiều lần về việc xác minh ranh mốc rừng phòng hộ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành (nay là Thị xã Phú Mỹ) và UBND xã Tóc Tiên, nhưng chưa nhận được một phản hồi nào từ các cơ quan chức năng…

Cổng vào công ty khai thác đá tại khu vực xã Tóc Tiên, TX Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: B.Q
Tìm hiểu của phóng viên được biết, Công ty CP Phú Đức Chính được thành lập từ năm 2009 và Công ty TNHH khai thác sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lập, được thành lập năm 2000. Hai Công ty này có ngành nghề kinh doanh là khai thác đá, cát, sỏi đất sét. Cả hai Công ty có cùng địa chỉ tại Ấp 6, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 25/8/2009, ông Trần Ngọc Thới – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký Quyết định 16/GP-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Khai thác Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lập được khai thác mỏ đá xây dựng Lô 14 núi Thị Vải, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích khai thác 50 héc ta, trữ lượng được phép khai thác là 17.000.000 m3, công suất khai thác 600.000 m3/năm, thời gian khai thác 30 năm.

Mặc dù có khiếu nại kéo dài nhưng các Công ty vẫn khai thác đá rầm rộ tại tiểu khu Tóc Tiên, TX Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: B.Q

Hiện trường khu vực khai thác đá có dấu hiệu chồng lấn hàng chục héc ta trên đất, rừng phòng hộ Bà Rịa-Vũng Tàu, tiểu khu Tóc Tiên, TX Phú Mỹ - Ảnh: HK
Ngày 21/8/2017, ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký Quyết định số 30/GP-UBND về việc cho phép Công ty CP Phú Đức Chính khai thác đá xây dựng bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá xây dựng Lô 14A núi Thị Vải, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với thời hạn khai thác là 19 năm, công suất khai thác 500.000 m3/năm, mức độ khai thác thấp nhất + 10 m, trữ lượng khai thác 9.075.327 m3.
Chính việc người dân đã sử dụng và bảo vệ đất rừng phòng hộ theo Hợp đồng được cấp từ năm 2004. Trong khi đó, năm 2009, Công ty TNHH Khai thác Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lập mới có Quyết định cấp phép, còn Công ty CP Phú Đức Chính có Quyết định khai thác đá năm 2017 (Nghĩa là hai Công ty này được cấp phép muộn hơn 5 năm, thậm chí là 13 năm so với các hợp đồng giao khoán đất rừng phòng hộ của các hộ dân từ năm 2004), đã xảy ra khiếu kiện tranh chấp suốt nhiều năm qua.

Ông Lê Trung Kiên – Phó giám đốc BQL Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ thông tin với phóng viên - Ảnh: B.Q
Phản ánh những bức xúc của người dân đến BQL Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Trung Kiên – Phó Giám đốc ban cho biết: “Hiện tại khu vực khai thác đá của các Công ty và đất rừng phòng hộ có chồng lấn lên nhau. Vì, đang trong quá trình rá soát, đo đạc kiểm tra mốc giới nên chưa nắm rõ cụ thể diện tích chồng lấn là bao nhiêu. Chúng tôi có nhận được đơn của người dân phản ánh về việc bị chồng lấn 24 héc ta đất rừng phòng hộ. Vì thế, vừa qua Ban có mời các Công ty liên quan đến làm việc và đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý của các Công ty để xác minh ranh giới, xác định thời điểm cấp phép ai trước ai sau để trả lời cho người dân”.
Trước dấu hiệu khai thác chồng lấn, hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản, đất, rừng phòng hộ nêu trên, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra và xử lý dứt điểm vụ việc, tránh khiếu kiện kéo dài.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Luật sư Phạm Văn Thảo - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Cụ thể, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 243, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Hữu Kế - Bá Quỳnh