Nam Định: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

20/04/2024 18:50

(CLO) Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, động vật trên địa bàn tỉnh, các địa phương trong tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tiêm phòng vắc xin được xem là giải pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh trong thời tiết giao mùa. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

Tuy nhiên, một số địa phương triển khai tiêm phòng còn chậm so với kế hoạch của tỉnh; chưa kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả tiêm phòng theo quy định. Còn tình trạng người dân không chấp hành quy định tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi, nhất là vắc xin bệnh dại.

nam dinh tang cuong cac bien phap phong chong dich benh cho dan vat nuoi hinh 1

Tỉnh Nam Định đẩy mạnh phát triển sản xuất chăn nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trước thực trạng trên, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh động vật, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; các quy định về xử phạt vi phạm quy định về chăn nuôi, thú y để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi.

Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo tiêm phòng vắc xin vụ xuân năm 2024 đối với các bệnh dịch tả lợn cổ điển, dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục và các bệnh khác; tổ chức tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 556/UBND-VP3 ngày 7/8/2023; rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn.

Cùng với đó ,tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận hộ chăn nuôi; khi phát hiện vật nuôi ốm chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý dứt điểm ngay, không giấu dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổng hợp, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh và kết quả tiêm phòng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo và cập nhật dữ liệu trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến theo quy định.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Thành lập các đoàn công tác của địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh và việc tổ chức tiêm phòng tại cơ sở.

CTV