Những kỷ vật thiêng liêng tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú
(CLO) Những kỷ vật còn lưu giữ tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tái hiện rõ nét cuộc đời cách mạng của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc.

Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú nằm bên dòng sông La hiền hòa, giữa một vùng dân cư đông đúc, thuộc thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Khu di tích có nhà thờ - nơi thờ tự vong linh đồng chí và vong linh tiên tổ họ Trần.

Ngôi nhà là nơi gắn bó một phần tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của đồng chí Trần Phú. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, để các thế hệ đảng viên, nhân dân, học sinh tìm đến trong những chuyến hành hương về nguồn.

Bên cạnh nhà thờ là nhà trưng bày lưu niệm khang trang được xây dựng vào năm 1998. Nơi đây đang lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Tại khu di tích, mỗi kỷ vật là một hiện thân sinh động, là một câu chuyện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tượng đúc bằng đồng khắc họa hình ảnh cố Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo Luận cương chính trị được đặt trang trọng giữa trung tâm khu lưu niệm.

Bản luận cương chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo được bảo quản, gìn giữ một cách cẩn thận tại Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú. Bản luận cương đã khẳng định năng lực, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối cách mạng; thể hiện tư duy sáng tạo, tầm vóc trí tuệ, ý chí cách mạng của đồng chí Trần Phú. Bản Luận cương có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Gây chú ý đối với du khách đến tham quan khu di tích là bộ quần áo của đồng chí Trần Phú sử dụng trong thời gian theo học tại Trường Quốc học Huế, dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An) cũng như thời kỳ gia nhập Hội Phục Việt… giai đoạn 1918 – 1925.

Chiếc rương gỗ đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925. Với tất cả nhiệt huyết của mình, đồng chí Trần Phú đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương, dân tộc.

Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh và di dời hài cốt đồng chí về an táng tại núi Quần Hội (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ). Rễ cây, mảnh ván quan tài nơi khai quật hài cốt cố Tổng Bí thư tại công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, TP Hồ Chí Minh, ngày 5/1/1999.

Chiếc gối của cố Tổng bí thư thời kỳ hoạt động tại Hà Nội, kỷ vật này được Ban quản lý khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú tiếp nhận từ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh về trưng bày.

Suốt cuộc đời hoạt động của mình Tổng Bí thư Trần Phú đã để lại cho Đảng, Nhân dân ta một tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức và khí phách của người cộng sản kiên trung. Những tài liệu, hiện vật được tỉnh Hà Tĩnh sưu tầm, lưu giữ cùng câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã tiếp thêm sức mạnh để thế hệ hôm nay tiếp bước truyền thống của các vị tiền bối cách mạng, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
