Gia Lai: Tuyến Quốc lộ 19 dày đặc biển báo tốc độ, tài xế ức chế
(CLO) Tuyến Quốc lộ 19 đoạn từ dốc Hàm Rồng (TP Pleiku, Gia Lai) đi cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) dày đặc các biển báo tốc độ gây ức chế cho các tài xế. Nhiều biển báo như “bẫy” người đi đường, lái xe vừa tăng tốc lại phải giảm tốc chỉ trên một đoạn ngắn.
Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” khu vực Gia Lai hiện nay đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện. Các gói thầu đoạn qua địa bàn huyện Chư Prông và Đức Cơ đã hoàn thiện phần mặt đường bê tông nhựa. Các hạng mục sơn tim đường, vạch phân làn, hệ thống cọc tiêu biển báo, trụ Km… cơ bản đã được trồng cắm.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý khai thác sử dụng ban đầu, hệ thống ATGT một số lý trình đã gặp phải nhiều bất cập, cụ thể là việc cắm biển báo giới hạn tốc độ trên tuyến. Theo đó, việc có quá nhiều biển khu dân cư và hạn chế tốc độ đã gây ức chế cho cánh tài xế lưu thông trên tuyến đường.
Phản ánh đến PV, một tài xế xe khách chạy tuyến Ea Kar (Đăk Lăk) đi Đức Cơ (Gia Lai) cho biết: “Sau thời gian dài thi công, tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện Chư Prông và Đức Cơ đã hoàn thành. Tuyến đường rất đẹp, bằng phẳng rộng và thông thoáng. Tuy nhiên trên tuyến xuất hiện dày đặc các biển báo giới hạn tốc độ 40, 50 km/giờ rất ức chế cho người tham gia giao thông. Thậm chí nhiều đoạn dân cư thưa thớt nhưng vẫn lắp biển khu dân cư.
Nhiều vị trí vừa hết hạn chế tốc độ tối đa cho phép 50km/h thì sau đó 90 – 130 m lại có biển tốc độ tối đa cho phép 40km/h. Những bất cập về việc lắp đặt biển báo trên tuyến đã khiến nhiều lúc nhà xe bị trễ giờ đón khách và rất dễ vi phạm về tốc độ”.

Nhiều biển báo giới hạn tốc độ trên tuyến Quốc lộ 19 còn bất cập
Liên quan đến những bất cập thi công hệ thống ATGT dự án Quốc lộ 19 Gia Lai, Văn phòng Quản lý đường bộ III (QLĐBIII.4) thuộc Khu Quản lý đường bộ III đã phối hợp Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên) và các cơ quan hữu quan địa phương tiến hành rà soát.
Về các vị trí biển báo khu đông dân cư, đoàn kiểm tra cho rằng, việc lắp đặt cụm biển báo số hiệu R420, R421 biển khu dân cư tại các vị trí Km200+260 - Km202+100; Km205+850 - Km210+00; Km87+400 - Km87+600; Km85+00, các khu vực này chưa đông dân cư, chưa phù hợp. Một số biển báo hình tam giác có kích thước theo hệ số 1 lắp đặt trong khu đông dân cư chưa phù hợp với quy chuẩn. Ngoài ra, một số biển báo xe cấm vượt trồng cắm trên đoạn đường thẳng, không có vạch sơn tim đường nét liền… không hợp lý.

Biển báo dày đặc gây khó khăn đối với người chấp hành, gây bức xúc và không đảm bảo an toàn giao thông
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn ghi nhận việc trồng cắm biển hạn chế tốc độ 40Km/h tại các khu vực có trường học Km206+300 đến Km206+500 (200m); Km208+500 đến Km208+650 (150m); Km212+300 đến Km212+600 (300m)… hạn chế tốc độ đột ngột gây ức chế cho người tham gia giao thông. Do đó cần tháo bỏ biển báo 50Km/h tại Km203+600, vì bán kính đường cong nằm đủ lớn, tầm nhìn không hạn chế, đã sơn vạch sơn tim đường nét liền.
Để đảm bảo ATGT trên Quốc lộ 19 trong quá trình vừa thi công, vừa khai thác, Khu Quản lý đường bộ III (thuộc Cục đường bộ Việt Nam) đề nghị Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương có biện pháp điều chỉnh kịp thời các bất cập về hệ thống báo hiệu đường bộ do dự án đã bố trí, lắp đặt. Đồng thời, xử lý triệt để các nội dung về đảm bảo ATGT tại các đoạn, vị trí đang thi công.

Tại Km205+500 (cầu Nước Pít) cũng có nhiều bất cập về việc lắp các biển báo
Ông Lê Tuấn Mạnh – Quyền Trưởng phòng ĐHDA 4 (thuộc Ban quản lý Dự án 2) cho biết: “Hiện các gói thầu của dự án qua tỉnh Gia Lai cơ bản đã hoàn thành, trong đó các gói XL3 (Đắc Pơ), gói XL4B, XL5; XL6; XL7 (từ TP Pleiku tới của khẩu Lệ Thanh) đã hoàn thành và đang làm thủ tục bàn giao chính thức cho Cục ĐBVN. Từ khi các gói thầu trên hoàn thành đơn vị đã mời Văn phòng QLĐB 4.3, Ban ATGT tỉnh Gia Lai kiểm tra tuyến và có tiếp nhận các ý kiến về bất cập của hệ thống biển báo.
Trên cơ sở các ý kiến liên quan, hiện Ban QLDA2 đã giao tư vấn thẩm tra ATGT, tư vấn giám sát rà soát để báo cáo Ngân hàng thế giới điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đảm bảo ATGT đặc biệt cho các đối tượng như học sinh và người lái xe môtô, xe đạp”.
Bài và ảnh: Trần Hiền