Đổi mới phiếu thi trắc nghiệm kỳ thi THPT: Nâng cao tính phân biệt hay tạo áp lực cho học sinh?
Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) luôn là một dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập của mỗi học sinh Việt Nam. Kỳ thi này không chỉ đánh giá kết quả học tập của học sinh trong suốt 12 năm học phổ thông mà còn là “cánh cửa” mở ra nhiều cơ hội học tập và phát triển tiếp theo.
Nhằm đổi mới phương thức đánh giá, nâng cao tính phân biệt và đánh giá năng lực tư duy của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã quyết định thay đổi phiếu thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT sắp tới, áp dụng cho kỳ thi từ năm 2025. Thay đổi đáng chú ý nhất là việc bổ sung dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai.
Mẫu phiếu làm bài thi trắc nghiệm là một loại phiếu có các ô tròn được sử dụng để làm bài thi trắc nghiệm, trong đó thí sinh sẽ điền vào ô tròn tương ứng với đáp án đúng nhất. Mẫu phiếu này được phát triển bởi Bộ Giáo dục và có nhiều phiên bản khác nhau như 40 câu, 45 câu, 50 câu, 60 câu, 100 câu và 120 câu (dành cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia).
Việc thay đổi phiếu thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo được định rõ với một số mục tiêu chính như sau.
Đầu tiên, việc nâng cao sự phân biệt trong việc đánh giá kết quả thi là một trong những mục tiêu quan trọng. Loại câu hỏi trắc nghiệm Đúng/Sai được coi là có khả năng phân biệt tốt hơn giữa học sinh có khả năng tư duy logic so với những học sinh ở mức trung bình hoặc yếu.

Ảnh minh họa.
Thứ hai, việc đánh giá khả năng tư duy logic và phản biện của học sinh là vô cùng thiết yếu. Việc yêu cầu học sinh phải tư duy về từng dấu chấm, dấu phẩy yêu cầu học sinh có khả năng phân tích thông tin, để ý kĩ hơn khi làm các bài thi chính xác để chọn câu trả lời đúng. Tránh khỏi tình trạng “thấy sao khoanh vậy”.
Thứ ba, để tránh việc “mèo mù vớ phải cá rán”, hạn chế việc học vẹt cũng là một mục tiêu quan trọng trong quá trình cải thiện hệ thống giáo dục. Gần đây, trên các trang MXH, đang có một số các thầy, cô “dởm” có những hình thức truyền đạt về cách “câu nào không biết chọn toàn C”, hay là “Các em cứ gạch hết đề đi cho thầy”. Việc thay đổi này cũng sẽ làm hạn chế đi việc “khoanh bừa, chọn bừa”.
Cuối cùng, việc thay đổi sẽ giúp cho các dạng câu hỏi đề thi trong ngân hàng đề thi sẽ trở nên đa dạng hơn, xuất hiện nhiều dạng đề mới, nhiều phương pháp cách làm khác. Việc thay đổi này sẽ khiến các câu hỏi không bị “bó hẹp”. Ngoài ra hiện nay trên thế giới hay trong các bài thi quốc tế như IELTS, HSK,.. Dạng câu hỏi đúng sai xuất hiện rất nhều bởi nó rèn cho học sinh cách tư duy từ 2 phía của vấn đề.
Tuy nhiên cũng có một số luồng ý kiến cho rằng việc thay đổi phiếu thi trắc nghiệm còn có thể mang lại một số vấn đề khác như tăng áp lực cho học sinh, khiến học sinh trong trạng thái căng thẳng. Cùng với đó có một số phụ huynh có con em mình là khóa học sinh 2k7 lo lắng con họ sẽ không thích ứng kịp với việc thay đổi hình thức thi này. Dạng thức câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai có thể khiến một số học sinh cảm thấy bối rối và lo lắng, do không biết cách trả lời sao cho đúng. Hay chỉ cần sai một dấu chấm, dấu phẩy là sẽ bị tính là sai luôn nên cần phải cần trong tránh tình trạng “tô nhầm” nuối tiếc. Không những thế, đối với các thầy cô giáo cũng sẽ cần phải thay đổi các cách dạy học, chuẩn bị cho học sinh và cả công tác chấm thi.
Nhìn chung, việc thay đổi phiếu thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT sắp tới là một đổi mới quan trọng trong đánh giá giáo dục. Thay đổi này nhằm mục đích nâng cao tính phân biệt, đánh giá năng lực tư duy logic, phản biện của học sinh, đồng thời hạn chế việc học chay, học vẹt và khuyến khích học sinh học tập tích cực, sáng tạo. Ngoài ra vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc làm quen, thích nghi, đo đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía học sinh, giáo viên và phụ huynh để đảm bảo việc thay đổi này diễn ra một cách hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra...
Đức Hải- Phương Chi
(Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)