Bắc Ninh: Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo

08/05/2024 07:42

(CLO) Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 3.422 hộ nghèo tương ứng 8.762 người, chiếm tỷ lệ 0,92% dân số; có 2.500 người trong độ tuổi nhưng không có khả năng lao động. Địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo.

Ngày 7/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chủ trì Hội nghị báo cáo giải pháp ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn và trợ giúp xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo việc triển khai xây dựng Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh hiện có 3.721 hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Toàn tỉnh hiện có 3.422 hộ nghèo tương ứng 8.762 người, chiếm tỷ lệ 0,92% dân số; có 2.500 người trong độ tuổi nhưng không có khả năng lao động.

bac ninh phan dau den nam 2025 toan tinh khong con ho ngheo hinh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Báo BN

Thời gian qua, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai về giáo dục, đào tạo, bảo hiểm y tế, nhà ở, vay vốn tín dụng, tiền điện… song, mức độ bao phủ chưa được toàn diện tới các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về thực trạng lực lượng lao động và kết quả công tác đào tạo nghề của tỉnh, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 22.128 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và hoạt động (trong các khu công nghiệp hơn 1.200 doanh nghiệp) thu hút 466.887 lao động (nhóm lao động thuộc khối kỹ thuật điện, điện tử, tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ thông tin - ngành liên quan đến bán dẫn có 263.998 người).

Nhu cầu của thị trường với nhóm lao động kỹ thuật có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kỹ thuật điện, điện tử, tự động hóa, bán dẫn… rất lớn nhưng lực lượng, trình độ và cơ cấu đào tạo tại chỗ chưa đáp ứng đủ.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về việc cần thiết phải đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được thị trường lao động, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh và chính sách trợ giúp xã hội phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo. Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung làm rõ thêm chi tiết đề xuất hỗ trợ về phạm vi, đối tượng, định mức, cơ chế và nguồn kinh phí hỗ trợ...

Các đại biểu cũng đều nhất trí về việc cần thiết phải đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn để phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được thị trường lao động và tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Để đảm bảo chất lượng các tờ trình và dự thảo Nghị quyết, các đại biểu trao đổi, thảo luận và đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến: Cơ sở pháp lý; thực trạng các đối tượng thuộc hộ nghèo; sự cần thiết của việc ban hành chính sách…

Ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết và quy trình thủ tục ban hành các Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan soạn thảo) tiếp thu ý kiến, rà soát lại căn cứ pháp lý; tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học... bổ sung hoàn thiện dự thảo đề cương chính sách hỗ trợ, bảo đảm mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, phát huy tối đa hiệu quả của chính sách; từ đó làm cơ sở để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện để khi các Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua và triển khai trong thực tiễn sẽ phát huy tối đa hiệu quả chính sách khi được ban hành.

Trần Anh