Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ Vượn đen má hung thuộc nhóm nguy cấp, cực kỳ quý hiếm
(CLO) Cá thể Vượn đen má hung (Nomascus - sp) được Vườn Quốc gia Cúc Phương cứu hộ là một loài động vật thuộc Nhóm IB, danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Chiều 9/5, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) vừa cứu hộ an toàn một cá thể Vượn đen má hung bị lạc vào đầm của một người dân ở thành phố Hải Phòng.

Cá thể Vượn đen má hung được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Vườn quốc gia Cúc Phương
Trước đó, anh Lương Văn Thế, trú tại Khu vực đường đê Ngự Hàm, Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng đã phát hiện một cá thể Vượn bị lạc vào đầm của nhà mình. Sau đó, gia đình bắt giữ và liên hệ với Vườn Quốc gia Cúc Phương để giao nộp.
Ngay trong ngày 7/5, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng tiến hành xác minh và cứu hộ an toàn cá thể động vật này.
Qua kiểm tra ban đầu được biết, đây là cá thể Vượn đen má hung (Nomascus - sp) - một loài động vật thuộc Nhóm IB, danh mục các loài dộng vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau khi được kiểm tra y tế và các thủ tục cần thiết, cá thể Vượn đen má hung đã được đưa về Chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp tại Vườn Quốc gia Cúc Phương để chăm sóc, bảo tồn.

Người dân bàn giao cá thể vượn quý hiếm. Ảnh: Vườn quốc gia Cúc Phương
Được biết, trước đó, vào ngày 2/4/2024, Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng đã cứu hộ 1 cá thể Vượn từ Hải Phòng.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn 2 cá thể Vượn quý hiếm đã được cứu hộ và đưa về chăm sóc nuôi dưỡng tại Cúc Phương, nâng tổng số cá thể Vượn đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn tại Chương trình lên 29 cá thể.
"Chương trình Bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cúc Phương" được xây dựng từ năm 1993, là dự án hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Hội động vật Frankfurt, Vườn thú Leipzig (Cộng hòa liên bang Đức).
Hiện tại chương trình đang bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Cho sinh sản thành công 12 loài với tổng số 382 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt ở trên thế giới.
Chương trình cũng tái thả về tự nhiên 154 cá thể, những cá thể được tái thả đã hòa nhập rất tốt với môi trường tự nhiên. Theo các chuyên gia, đây là đơn vị cứu hộ linh trưởng thành công nhất khu vực Đông Nam Á.