Thể hiện đậm nét tinh thần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch đề ra với kết quả cao nhất

23/05/2024 10:37

(NB&CL) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của đồng bào, cử tri cả nước. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu của kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu ra Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào cuối tuần trước, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội Khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội Khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 7, trong các ngày từ 20 – 22/5, Quốc hội đã tiến hành nội dung về công tác nhân sự theo thẩm quyền. Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

Chiều 20/5, với 100% Đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV.

Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ: “Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của tôi trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dù ở vị trí công tác nào cũng phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Ông nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

the hien dam net tinh than tiep tuc lanh dao chi dao trien khai cac chuong trinh ke hoach de ra voi ket qua cao nhat hinh 1

Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khoá XV.

Tiếp đó, sáng 22/5, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu và giao cho đồng chí trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy giới thiệu đồng chí đảm nhận trọng trách cao cả này.

“Tôi ý thức sâu sắc rằng, đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn” - Tân Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động bày tỏ.

Cùng ngày 22/5, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

the hien dam net tinh than tiep tuc lanh dao chi dao trien khai cac chuong trinh ke hoach de ra voi ket qua cao nhat hinh 2

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức.

Trong các ngày qua, Quốc hội đã nghe các Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Báo cáo thẩm tra các nội dung trên; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây đều là những nội dung được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm.

Những ngày tiếp theo, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo nêu trên và cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)…

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Trong đó, một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phát biểu bế mạc Hội nghị là “tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024 - 2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Chương trình nghị sự, các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7 phải thể hiện đậm nét tinh thần này”.

Cần chuyển nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào lĩnh vực có hiệu quả rõ ràng

Một trong những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã đạt được nhiều kết quả, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 cho thấy tiến độ giải ngân nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu. Một số gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43 đang được đề xuất hủy bỏ, trong khi đó, bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn, vậy nên chuyển nguồn tiền đó như thế nào để tiếp tục tinh thần Nghị quyết 43, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Bên lề nghị trường, xung quanh vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải xem những quy định mang tính thủ tục cho việc triển khai các dự án đầu tư rõ ràng còn kéo dài…”.

“Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% là kỳ vọng rất lớn của Nghị quyết 43, mong muốn với hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có khoảng chừng 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế để phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, hầu như không đáng kể” - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề xuất: Gói hỗ trợ không khả thi thì phải thay đổi, không nên tiếp tục giữ nữa mà nên hỗ trợ những chương trình đã hỗ trợ có hiệu quả. “Chúng ta đang có dư địa khá tốt về tài khóa, do đó, nên tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa ngược, thông qua việc tiếp tục duy trì giảm các khoản thuế, các nghĩa vụ đóng góp hoặc thậm chí phải giảm một số khoản đóng góp cho các đối tượng đang khó khăn” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, nguồn ngân sách dự tính dành cho gói 40.000 tỷ đồng nên chuyển sang chương trình hỗ trợ theo các mục tiêu rõ ràng. Điển hình trước đây, có những gói hỗ trợ như cho vay để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói hỗ trợ này được ngân hàng hoàn thành rất sớm, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao.

“Hiện nay, có rất nhiều các ngành, các lĩnh vực cần phải tiếp tục hỗ trợ như: Hỗ trợ cho nhà thu nhập thấp, hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và các chương trình để tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư mới như đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị các yếu tố để đón nhận được các nhà đầu tư về ngành công nghiệp bán dẫn… Tôi cho rằng đó là những chương trình chúng ta cần phải có hoặc chính sách hỗ trợ thực sự là ưu đãi của Chính phủ” - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Nguyễn Hường