Bình Thuận: Khắc phục tồn tại, xử lý trách nhiệm đối với vi phạm tại các dự án điện
(CLO) Ngoài những kết quả đạt được giúp tăng sản lượng điện góp phần phát triển kinh tế xã hội thì nhiều hạn chế, vi phạm liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng cần được xử lý nghiêm và khắc phục tồn tại.
Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 3116/TB-TTCP về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Nhiều tồn tại hạn chế, vi phạm liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được chỉ rõ. Ảnh: Q.H.
Kết luận thanh tra đánh giá công tác quản lý thực hiện quy hoạch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, giúp tăng sản lượng điện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm liên quan đến việc bổ sung các dự án điện mặt trời, năng lượng tái tạo.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.
Có tới 15 trong số 23 tỉnh không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố. Do đó việc phê duyệt các dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg.
Việc UBND tỉnh Bình Thuận cho các doanh nghiệp được thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở pháp luật.
Trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án/cổ phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, phức tạp trong việc bồi thường khi thu hồi đất để khai thác khoáng sản,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải ủy quyền Giám đốc Sở Công Thương phối hợp với các Sở ngành thông tin tới Báo Nhà báo và Công luận.
Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã xây dựng trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê, bàn giao đất trên thực địa.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã được nêu. Thực hiện khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.
Để làm rõ một số tồn tại hạn chế, vi phạm liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng như kết quả xử lý, khắc phục PV đã liên hệ với UBND tỉnh và các Sở ngành liên quan.
Ngày 20/5/2024, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 2550/VP-KT cung cấp thông tin theo đề nghị của Báo Nhà báo và Công luận.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải ủy quyền Giám đốc Sở Công Thương phối hợp với các Sở ngành liên quan cung cấp thông tin theo đúng quy định pháp luật.
Nhưng hiện PV Báo Nhà báo và Công luận vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía Sở Công Thương cũng như các Sở ngành liên quan tỉnh Bình Thuận.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.