Các nhà thiên văn học lần đầu tiên chứng kiến hố đen thức tỉnh
(CLO) Lần đầu tiên, các nhà khoa học chứng kiến theo thời gian thực một hố đen cách Trái đất 360 triệu năm ánh sáng đột nhiên bắt đầu sáng hơn và tiêu thụ vật chất trong lực hút của nó.
Theo nghiên cứu về hiện tượng được công bố hôm 18/6, trong một thiên hà thuộc chòm sao Xử Nữ cách Trái đất khoảng 360 triệu năm ánh sáng, các nhà khoa học nhận thấy hố đen đang tỏa sáng hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi có thể quan sát sự thức tỉnh của hố đen khổng lồ. Nó đột nhiên bắt đầu ăn khí có sẵn xung quanh và trở nên rất sáng", nhà vật lý thiên văn Claudio Ricci, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nhà thiên văn học Paula Sanchez Saez, đồng tác giả tham gia chặt chẽ vào nghiên cứu, cho biết thêm: "Hiện tượng này là chưa từng có".

Một hố đen ở trung tâm thiên hà SDSS1335+0728 đã thức tỉnh và tiêu thụ mọi thứ xung quanh nó. Ảnh: ESO
Hố đen này nặng hơn Mặt trời khoảng 1,5 triệu lần, tuy nhiên nó vẫn nhẹ hơn so với các hố đen khác. Để so sánh, hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà - thiên hà của chúng ta - có khối lượng lớn hơn Mặt trời 4 triệu lần.
Môi trường xung quanh một hố đen siêu lớn có thể dữ dội đến mức đủ để xé nát các ngôi sao và bất cứ thứ gì khác nằm trong tầm hấp dẫn của chúng. Những khu vực hoạt động như vậy tỏa ra năng lượng ở nhiệt độ rất cao. Chúng thậm chí còn có thể tỏa sáng hơn cả các thiên hà.
Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế hiện đang phân tích dữ liệu từ một số kính thiên văn để xem liệu hoạt động của hố đen chỉ là tạm thời hay nó sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Hầu hết các thiên hà được cho là có hố đen ở lõi, bao gồm cả Dải Ngân hà.
Ngọc Ánh (theo CNN, DW)