Trái ngọt từ đầu tư hạ tầng giao thông

20/06/2024 14:31

(NB&CL) Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi vào khai thác đã nối liền một dải 370 km đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối các vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và để lại nhiều kinh nghiệm thiết thực.

Sau 28 tháng thi công, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã hoàn thành, chính thức thông tuyến phục vụ người dân đi lại từ ngày 26/4. Đây cũng là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP. Hồ Chí Minh với Nha Trang cùng với 4 đoạn cao tốc đã hoàn thành trước đó.

Quãng đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang xuyên suốt dài 370 km giúp tài xế di chuyển nhanh và thuận tiện hơn chỉ còn khoảng 5 giờ đồng hồ thay vì lưu thông trên Quốc lộ 1 với hành trình 450 km, thời gian từ 9 - 10 giờ đồng hồ.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 6 ngày sau thông xe (từ ngày 26/4 - 2/5), lượng phương tiện di chuyển qua cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã đạt 74.373 lượt.

trai ngot tu dau tu ha tang giao thong hinh 1

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua những khu vực đầy nắng và gió, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Ảnh.V.P

Ninh Thuận là một trong những địa phương nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; thiếu nước xảy ra thường xuyên; hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam bày tỏ, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, đưa vào hoạt động là “ước mơ ngàn đời” của người dân Ninh Thuận.

Tuyến cao tốc qua địa phương với chiều dài khoảng 63 km là động lực, cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, tăng năng lực giao thông cho địa phương.

Thông tin từ ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đại diện Liên danh nhà đầu tư Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, quá trình thi công dự án là quá trình vượt khó không ngừng từ khơi thông nguồn vốn, vượt qua đại dịch COVID-19 cũng như xử lý những dị thường về địa chất và biến động giá vật liệu xây dựng.

Từ quá trình triển khai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư rút ra một số bài học mang tính quyết định đến thành công của việc thực hiện các công trình.

Đó là sự tham gia kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương để giải quyết các khó khăn về tiến độ, mặt bằng, vật liệu, tài chính khi thực hiện dự án. Sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho những dự án ở khu vực khó khăn là yếu tố quan trọng cho thành công của dự án.

Cuối năm 2022, tỉnh Ninh Thuận đã khởi công dự án đường kết nối cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo với Quốc lộ 1 ra cảng biển tổng hợp Cà Ná và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Tuyến đường có chiều dài 14,8 km với quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng.

trai ngot tu dau tu ha tang giao thong hinh 2

Sự đồng lòng, quyết tâm cao đã giúp 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 vượt qua nhiều khó khăn để về đích. Ảnh: T.N

Dự kiến công trình sẽ thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2024. Qua đó sẽ kết nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, mở ra tương lai phát triển cho ngành vận tải đường thủy và cảng biển của tỉnh.  

Đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần khai thác có hiệu quả cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ông Trương Xuân Vỹ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, đường nối cao tốc khi hoàn thành đưa vào hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo bước đột phá cho phát triển của huyện Thuận Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Thời gian tới, địa phương sẽ rà soát làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường để thu hút các dự án đầu tư. Nhất là dự án phát triển công nghiệp, du lịch từ tận dụng lợi thế kết nối về giao thông, tạo đột phá cho huyện và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Vinh, giai đoạn năm 1992 khi mới tái lập tỉnh hệ thống giao thông địa phương rất hạn chế. Về đường bộ có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 27, hệ thống đường địa phương chủ yếu đi qua khu vực thị trấn, thị tứ với chất lượng mặt đường xấu.

Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị chia cắt nhiều, việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, rất khó khăn. Đến nay mạng lưới giao thông của tỉnh Ninh Thuận đã phát triển toàn diện, với tổng chiều dài trên 1.700 km; gấp 3,5 lần so với khi tái lập tỉnh.

Đặc biệt các tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1, Quốc lộ 27 cùng với đường nối Tân Sơn - Tà Năng và cao tốc Bắc - Nam sau khi đưa vào sử dụng sẽ đưa Ninh Thuận trở thành đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam Bộ.

Đánh giá về lợi thế phát triển của Ninh Thuận, TS. Trần Du Lịch nhận định, hiện nay hệ thống giao thông kết nối giữa Ninh Thuận với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã cải thiện đáng kể.

Cùng với đó là những ưu đãi về giá đất, thuế các loại… đang tạo ra lợi thế để Ninh Thuận thu hút đầu tư. Với cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những địa bàn có lợi thế sản xuất hàng xuất khẩu nên Ninh Thuận cần xem đây là cơ hội vàng.

Trong 10 năm tới, tỉnh Ninh Thuận vẫn cần ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông, ưu tiên xây dựng giao thông hành lang ven biển và hệ thống giao thông kết nối tam giác kinh tế Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Tháp Chàm.

trai ngot tu dau tu ha tang giao thong hinh 3

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối các vùng kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất và giúp người dân di chuyển thuận tiện.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Hai dự án cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt chính thức thông xe đã đưa tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam lên 1.187 km và tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000 km. Trong khi đó đến tháng 6/2021, cả nước mới có hơn 900 km cao tốc (đạt được trong hơn 20 năm trước đó).

Thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân đi lại dễ dàng, thuận lợi, góp phần đẩy mạnh giao lưu, sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống. Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó.

Thế Anh