Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi
(CLO) Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Dù hiện nay, các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa, thì quan trọng nhất phải lựa chọn con người”.
Bài liên quan
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi
Thi tốt nghiệp THPT 2024: Không tự ý xử lý tình huống bất thường
Hà Nội điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT
Thi tốt nghiệp THPT 2024: Cần có phương án dự phòng nếu có thiên tai, mưa lũ!
Thi tốt nghiệp THPT 2024: Không tự ý xử lý tình huống bất thường
Ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh/thành phố.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi sắp tới.
Theo đó, Kỳ thi THPT luôn luôn là hoạt động quan trọng, phức tạp, nhạy cảm vì diễn ra trên quy mô toàn quốc, các vùng miền khác nhau, số lượng lớn học sinh tham gia, lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi lớn.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Như Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo khoảng 15.000 người tham gia vào tổ chức Kỳ thi, riêng công tác chấm thi khoảng 600 người.
Mặc dù quy mô lớn nhưng thời gian diễn ra nhanh, tập trung coi thi trong 2 ngày, chấm thi trong vòng nửa tháng, áp lực công việc lớn. Kỳ thi được cả xã hội quan tâm vì đây là Kỳ thi đánh giá quá trình học tập rèn luyện 12 năm của các em học sinh để các em có điểm số học tập nghề nghiệp và cao hơn, đánh giá công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Qua báo cáo của các tỉnh thành, đến nay công tác chuẩn bị của các tỉnh thành, các Ban Chỉ đạo hết sức chu đáo, sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả.
Qua báo cáo và qua công tác kiểm tra, Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố đánh giá năm nay Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống các văn bản rất sớm, tổng kết các văn bản được ban hành sớm hơn mọi năm ít nhất một tuần, công tác tập huấn diễn ra cũng sớm hơn.
Đó là điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tập trung triển khai.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi sắp tới đáp ứng các yêu cầu trong thời gian diễn ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024.
Thủ tướng yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề.
“Kỳ thi diễn ra với quy mô toàn quốc, số lượng đông, nhiều cơ quan cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như: Công an, Y tế, Đoàn thanh niên… do đó, công tác phối hợp phải nhịp nhàng, thông suốt và hiệu quả, không chồng chéo” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong tổ chức thực hiện đúng khâu, đúng quy chế, quy trình, từ quy trình về chuyên môn, quy trình xử lý các tình huống bất thường, quy trình báo cáo phải tuân thủ tuyệt đối…
Công tác truyền thông phải chủ động, kịp thời, truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, quy mô, áp lực. “Đề nghị các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương phải phản ánh đúng tinh thần của kỳ thi, nghiêm túc. Có những trường hợp cần cảnh báo răn đe nhưng không đưa tin quá dồn dập để không quá áp lực, không quá căng thẳng” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề xuất.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc nhở, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi, từ các lực lượng công an, từ các thầy cô giáo, bằng các khả năng quan sát đã được tập huấn. Đây là những điểm mới đối với ngành giáo dục, rất khó khăn cho các thầy cô, nhưng chúng ta cần phải trách nhiệm.
“Tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi. Đặc biệt là những vùng khó khăn, những nơi cách trở về giao thông, phương tiện.
Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, phụ huynh hỗ trợ. Những nơi xa xôi, ảnh hưởng của mưa bão thì phải tạo điều kiện cho các em về điểm thi trước. Phương châm cao nhất mà chúng ta đã thống nhất là không để bất cứ một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không được dự thi".
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Dù hiện nay, các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa, thì quan trọng nhất phải lựa chọn con người.
Cần tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí là những rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm”.
Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” trong quá trình tổ chức kỳ thi, gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường;
Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.