Lý do gì khiến ngân hàng cho vay Italy chưa thể rời Nga?
(CLO) Ngân hàng cho vay UniCredit (Italy) đã kháng cáo lên tòa án hàng đầu của EU để làm rõ lệnh do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ban hành đối với ngân hàng này nhằm giảm sự hiện diện ở Nga.
UniCredit cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (1/7) rằng họ đã nộp đơn lên Tòa án chung của Liên minh châu Âu nhằm “làm rõ ràng về mặt pháp lý” về các nghĩa vụ do ECB đặt ra trong việc chấm dứt hoạt động kinh doanh ở Nga.
UniCredit cho biết mặc dù họ đang tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý về việc cắt giảm các hoạt động của mình ở Nga, nhưng họ lo ngại “về các điều khoản bắt buộc theo quy định trong quyết định do ECB đưa ra, vượt xa khuôn khổ pháp lý hiện hành”.

Ngân hàng UniCredit (Italy). Ảnh: RT.
ECB đã gây áp lực buộc các ngân hàng EU có hoạt động tại Nga phải đẩy nhanh tốc độ rút khỏi nước này trong bối cảnh có nguy cơ trừng phạt khắc nghiệt hơn của Mỹ đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Vào tháng 5, cơ quan quản lý có trụ sở tại Frankfurt đã gửi thư tới nhiều ngân hàng với yêu cầu về một “kế hoạch hành động” để chấm dứt hoạt động kinh doanh của họ ở Nga sớm nhất là vào tháng 6.
UniCredit hiện có mức tiếp cận thị trường Nga lớn thứ hai trong số các ngân hàng có trụ sở tại EU và nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của ngân hàng trung ương Nga.
Các ngân hàng EU khác – bao gồm Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo, ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, OTP Bank của Hungary, Intesa SanPaolo của Italy và SEB của Thụy Điển – cũng duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngân hàng UniCredit lưu ý rằng họ đã giảm 91% mức độ tiếp xúc xuyên biên giới với Nga và 65% mức độ tiếp xúc trong nước kể từ tháng 2/2022.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cho biết quá trình nộp đơn có thể mất vài tháng và yêu cầu tạm dừng quyết định của cơ quan quản lý.
“Những tình huống chưa từng có, sự phức tạp vốn có trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị cũng như việc thiếu khung pháp lý hài hòa và khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn khi thực hiện quyết định sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các công ty con của Nga”, UniCredit cho biết.
Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani hoan nghênh bước đi của ngân hàng, nói rằng ECB “phải tính đến tình hình các công ty Italy hoạt động ở Nga, tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU”.
Reuters dẫn lời ông nói: “Những quyết định vội vàng chỉ có nguy cơ gây thiệt hại cho các công ty Italy và EU”.
UniCredit hoạt động tại Nga thông qua một công ty con, với khoảng 3.100 nhân viên và hơn 50 chi nhánh.
Khánh Vy (Theo RT)