Kiểm định khí thải xe máy: Cơ hội cho phương tiện thân thiện môi trường

11/07/2024 10:08

(NB&CL) Quy định xe máy sẽ phải được kiểm định khí thải được dư luận hết sức quan tâm những ngày qua. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người bày tỏ sự lo lắng về tính khả thi khi đây là phương tiện có số lượng lớn, được đông đảo người dân sử dụng.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã quy định xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.

Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

kiem dinh khi thai xe may co hoi cho phuong tien than thien moi truong hinh 1

Thực hiện kiểm soát khí thải xe máy sẽ góp phần mở ra cơ hội cho các loại hình phương tiện thân thiện môi trường.

Số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), giai đoạn 2005 - 2022, tăng trưởng xe máy tại nước ta đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt trên 70 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.

Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Đây cũng là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường.

Với hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, giá ôtô cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thì xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân.

Doanh số xe mới hằng năm ở Việt Nam những năm qua trung bình khoảng gần 2,8 triệu chiếc. Riêng năm 2023, các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) là Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio đã bán ra tổng cộng hơn 2,5 triệu chiếc.

Kết quả từ chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

Trong khi đó xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố này đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường.

Bác Phúc (trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) bày tỏ sự tán thành việc kiểm soát khí thải xe máy. Mỗi khi vào giờ cao điểm, giao thông lại hết sức ngột ngạt. Nhiều xe máy cũ nát được tận dụng để chở hàng cồng kềnh, xả khói đen không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Đồng quan điểm, anh Minh (trú tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết, kiểm soát khí thải xe máy là chủ trương đúng đắn, đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển xanh và bền vững.

Tuy nhiên cần có những quy định thực sự cụ thể, rõ ràng về trình tự thủ tục thực hiện đăng kiểm để làm sao không ảnh hưởng đến đời sống người dân, tạo thuận tiện nhất có thể và tránh phát sinh tiêu cực, anh Minh cho biết thêm.

Mở ra cơ hội cho phương tiện thân thiện môi trường

Hiện nay, sự phát triển của công nghiệp hóa hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng sử dụng quá nhiều các nguồn nguyên liệu hóa thạch từ than đá, dầu mỏ, khí đốt…đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Những con số đáng sợ về mức độ ô nhiễm không khí đe dọa sức khoẻ con người càng làm bùng lên lo ngại về những bất cập do các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong nói chung và xe máy nói riêng gây ra.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện được xem là một xu hướng tất yếu và đang được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng.

kiem dinh khi thai xe may co hoi cho phuong tien than thien moi truong hinh 2

Xe máy cũ nát, chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Ảnh: TL.

Các quốc gia đi đầu xu hướng này như Đức, Na Uy, Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc đã có nhiều chính sách cho xe điện phát triển, trong đó có lộ trình cấm xe sử dụng động cơ đốt trong. Tại Việt Nam, xe điện cũng đang trở thành sự lựa chọn mới của người dân khi đến hết năm 2023 cả nước đã có khoảng 2,3 triệu xe máy điện.

Bạn Minh Anh (sinh viên năm 2 trường Đại học Thương Mại) chia sẻ, giá thành mua xe máy điện hiện nay chỉ từ 15 - 20 triệu. Không chỉ rẻ hơn so với nhiều loại xe chạy xăng, xe máy điện còn rất tiết kiệm nhiên liệu, chi phí thay thế, sửa chữa.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, ảnh hưởng của hoạt động giao thông vận tải tới phát triển đô thị, kinh tế, môi trường và an toàn giao thông đang đặt ra những thách thức cho phát triển bền vững.

Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ ba sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hằng năm. Do đó phát triển giao thông xanh là một trong những định hướng nhằm phát triển bền vững tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với quan điểm chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc phát triển loại hình xe đạp, xe điện công cộng là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh giao thông tại các đô thị lớn như là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Thực tế Hà Nội đã triển khai thí điểm nhiều chương trình xe máy điện, xe đạp điện và đạt được một số kết quả ban đầu. Theo ông Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải chia sẻ, dịch vụ xe điện 2 bánh nên được xác định là loại hình dịch vụ giao thông công cộng và được hưởng ưu đãi liên quan.

Thành phố cần tạo lập chính sách minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp tham gia một cách hiệu quả và công bằng. Ưu tiên thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài ngân sách nhà nước, thành phố giữ vai trò định hướng, quản lý và giám sát.

 Thế Anh