Bệnh đau mắt đỏ bùng phát tại Gia Lai có diễn biến phức tạp
(CLO) Những ngày gần đây, trước diễn biến thất thường của thời tiết, dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai. Các bệnh viện chuyên khoa mắt tại địa phương đã ghi nhận nhiều người mắc bệnh đến khám, điều trị.
Theo số liệu từ Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai và Trung tâm Y tế TP. Pleiku, mỗi ngày tại đây tiếp nhận hơn chục người bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị. Riêng trong tháng 5 và tháng 6/2024, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã tiếp nhận gần 2.000 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế có uy tín để khám và điều trị khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ
Bác sĩ Phạm Thanh Dũng, Trưởng khoa Liên chuyên khoa mắt - răng hàm mặt - tai mũi họng (Trung tâm Y tế TP. Pleiku, Gia Lai): Các trường hợp mắc viêm kết mạc là do vi rút adenovirus gây ra và dễ lây lan hơn các dạng viêm kết mạc khác. Bệnh thường xảy ra đối với những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
Bệnh đau mắt đỏ đang diễn ra có thời gian điều trị lâu hơn và dễ biến chứng viêm, loét giác mạc, sẹo giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực. Do vậy, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và sớm đến cơ sở y tế để khám khi có dấu hiệu bệnh về mắt.
Trước tình hình bệnh có diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã đưa ra khuyến cáo: Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc với adenovirus.
Đau mắt đỏ do adenovirus có các triệu chứng tương tự như các loại viêm kết mạc do vi rút khác như: lòng trắng của mắt hoặc mí trong bị đỏ; tăng tiết nước mắt; tiết dịch dày màu vàng đóng vảy trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ; tiết dịch màu xanh lá cây hoặc trắng từ mắt. Người bệnh cảm giác sạn ở một hoặc cả hai mắt, ngứa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng…
Ngoài ra, người nhiễm adenovirus cũng có thể có các triệu chứng toàn thân khác như sốt cao, ho khan, đau họng, chảy nước mũi.

Nhiều trường học và nơi hoạt động công cộng sớm có phương án vệ sinh khuôn viên sạch sẽ đề phòng dịch bệnh trong thời gian đến.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ít nhất trong 20 giây. Tránh chạm vào miệng, mũi hoặc mắt nếu chưa rửa tay. Hạn chế tiếp xúc nếu trong gia đình, người thân hoặc bạn bè mắc adenovirus.
Gia đình và nhà trường cần thường xuyên làm sạch, khử trùng đồ chơi của trẻ nhỏ, làm sạch các bề mặt cứng như mặt bàn, ghế, bồn rửa tay... bằng hỗn hợp thuốc tẩy và nước.