Ninh Bình: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp
(CLO) Diện tích cây lúa bị ngập úng của tỉnh Ninh Bình khoảng 10.293 ha, trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Hoa Lư.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình, lượng mưa từ 19h ngày 13/7/2024 đến 7h ngày 17/7/2024 phổ biến trên 200 mm, cao nhất tại thành phố Ninh Bình 313,2 mm, thấp nhất tại Trạm Khí tượng Nho Quan 139,7 mm. Mưa lớn xảy ra đúng vào thời điểm bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung gieo cấy lúa Mùa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
Tổng hợp nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ các huyện, thành phố, đến ngày 17/7, toàn tỉnh Ninh Bình đã gieo cấy được 23.344,1 ha lúa vụ Mùa (đạt 75,2% diện tích kế hoạch). Diện tích bị ngập úng khoảng 10.293 ha, trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Hoa Lư.

Nhiều diện tích lúa mới gieo cấy ở huyện Hoa Lư đã bị ngập phất phơ sau những cơn mưa lớn.
Trước tình trạng mưa lớn đe dọa đến sản xuất, những ngày qua, các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tiêu úng, cứu lúa mới cấy.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các địa phương.
Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các HTX Nông nghiệp và các hộ dân huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi tiêu nước, chống lụt, úng cho diện tích cây trồng đang bị ngập úng.
Rà soát diện tích lúa Mùa, nhất là diện tích lúa gieo sạ, lúa mới cấy để đánh giá khả năng chịu úng, khả năng phục hồi và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục sau mưa lớn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện sản xuất vụ Mùa trong khung thời vụ cho phép.
Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo kiểm tra, gia cố bờ ao, cống ao, kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra.
Chi cục Thủy lợi theo dõi diễn biến mưa lớn, tăng cường kiểm tra các công trình, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh huy động nguồn lực, phương tiện vận hành các công trình ứng phó mưa lớn bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm các hồ chứa nước.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường cán bộ đi cơ sở, kịp thời thông tin, báo cáo tình huống phát sinh để xử lý. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khắc phục, khôi phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của mưa lớn.
Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với diện tích lúa và cây màu không bị ảnh hưởng do mưa lớn. Đối với diện tích khắc phục được sau mưa lớn thì tiến hành diệt ốc bươu vàng, dặm tỉa bổ sung, chăm sóc phục hồi.
Đối với những diện tích ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7, QR1... để gieo cấy lại. Đối với diện tích chưa cấy: Rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7/2024.