Người lính về với thời bình trở thành 'người cha' của những đôi chân
(CLO) Trong căn xưởng rộng gần 25m2, người cựu chiến binh 79 tuổi Lê Thành Đô vẫn từng ngày miệt mài nghiên cứu, đồng hành cùng người khuyết tật trong hành trình mang “đôi chân trở lại”. 19 năm nay, hơn 1000 chiếc chân, tay giả được bác sĩ Lê Thành Đô và cộng sự của mình hoàn thành đã mở ra một thế giới mới cho tương lai của những người khuyết tật.
Người lính nặng tình với thời bình
Thời gian đầu, việc mở trung tâm gặp không ít khó khăn. Bác sĩ Đô phải tận dụng những dụng cụ thanh lý, mua vật liệu đồng nát với giá rẻ, chủ động áp dụng kỹ thuật để giảm thiểu chi phí. Nhờ vậy, từ 2004 đến nay, hơn 1000 chiếc chân tay giả ra đời gắn liền với hơn 1000 cuộc đời được thắp sáng.
Chia sẻ về cơ duyên cho hành trình đặc biệt, bác tâm sự: “Bản thân tôi là một người khuyết tật khi một phần cơ thể đã để lại nơi chiến trường, tôi hiểu và cảm thông cho sự mất mát này. Trở lại cuộc sống thường nhật, thiếu đi một phần cơ thể, mọi sinh hoạt khó khăn hơn. Chính vì lẽ đó tôi muốn góp sức giúp mọi người bớt đi phần nào những khó khăn, để họ tự tin hòa nhập cộng đồng”

Bác sĩ Đô luôn tận tâm với từng đôi chân giả. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Để hoàn thành một chiếc chân giả, bác sĩ Lê Thành Đô cùng cộng sự của mình phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ kiểm tra chân, làm khuôn, đổ bột đến mài giũa. Mỗi bước đều được ông tính toán kỹ lưỡng để mỗi chiếc chân không chỉ phù hợp, thuận tiện mà còn có tính thẩm mỹ. Tâm tư ấy sẽ giúp bệnh nhân tự tin sử dụng như một phần cơ thể mình.

Những bộ thiết bị do ông chế tạo đã “tái sinh” hàng nghìn người. Ảnh: Khánh Linh
Những niềm hạnh phúc được nối dài
Chị Tô Hồng Thúy (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong số người khuyết tật được hỗ trợ lắp chân miễn phí. Chia sẻ về hành trình nhận sự giúp đỡ từ bác sĩ, chị không giấu được sự vui mừng: “Sau một trận sốt vào năm 3 tuổi, tôi đã bị liệt 2 chân, 37 năm qua tôi không thể đứng lên đi lại được, muốn di chuyển, tôi phải lê người bằng 2 tay. Vì thế mà xương đã yếu, các cơ lại bị cứng nên bác sĩ Lê Thành Đô đã phải động viên rất nhiều, tôi mới đủ quyết tâm lắp chân giả vào cuối năm ngoái.” Đến nay, chị Thúy đã có thể đứng đi lại bằng nạng, đạp may máy khâu bằng chân giả.

Bác sĩ Lê Thành Đô lắp chân giả cho chị Tô Hồng Thúy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Niềm hạnh phúc của bác sĩ là khi chứng kiến khoảnh khắc bệnh nhân bước đi những bước đầu tiên, thậm chí nhiều người sau khi được lắp chân giả đã tìm được một công việc phù hợp để mưu sinh, người làm thợ điện, người làm xe ôm, người làm nhân viên bán hàng.
Nhớ về trường hợp ấn tượng nhất trong gần 20 năm thực hiện lắp chân giả, bác sĩ Lê Thành Đô chia sẻ: “Ca khó nhất tưởng chừng như không thể thực hiện được là anh Nguyễn Văn Hoàng, bị cụt tứ chi. Cả tay và chân đều liệt nên không thể chống nạng, quá trình làm quen cũng vì thế mà càng khó khăn. Nhưng sau hành trình đấu tranh bền bỉ, khoảnh khắc giải thoát khỏi xe lăn khiến ai cũng xúc động nghẹn ngào.”

Anh Nguyễn Văn Hoàng trước và sau khi được ghép tứ chi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kết nối để lan tỏa
Mặc dù ở cái tuổi thất thập ngoại cổ lai hy, bác sĩ Lê Thành Đô luôn là trung tâm kết nối, lan tỏa nhiều giá trị nhân văn cho cộng đồng người khuyết tật. Với trình độ ngoại ngữ cao và khả năng bắt kịp công nghệ thông tin nhạy bén, bác sĩ Đô liên tục kết nối, vận động các tổ chức nhân đạo. Đặc biệt, bác sĩ luôn kết nối với đại sứ quán các nước Úc, Hà Lan, Hàn Quốc và nhiều nhà mạnh thường quân trong nước và quốc tế.

Bác sĩ Lê Thành Đô dùng máy tính kết nối với nhà hảo tâm. Ảnh: Khánh Linh
Chỉ tính riêng năm nay, ông cùng các cộng sự đã hỗ trợ 240 trường hợp có thể di chuyển, sinh hoạt dễ dàng trong cuộc sống thường ngày. “Các khoản chi phí đều được tôi cùng các nhà tài trợ thảo luận, đưa ra điều kiện chặt chẽ nhằm mang tới sự minh bạch và hiệu quả cao. Không chỉ mang tới cho họ một cơ hội sống mới mà chúng tôi còn hướng dẫn, theo dõi, đưa dụng cụ chỉnh hình trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của họ.”
Trên hành trình ý nghĩa này, đồng hành cùng bác sĩ Đô từ những ngày đầu là ba học viên đang ngày ngày tự nâng cấp, cập nhật những công nghệ tiến bộ.
Anh Lê Hải Linh - kỹ thuật cao cấp tại Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật chia sẻ: “Thầy trò đồng hành cùng nhau là một cái duyên, thầy dạy môn giải phẫu tại Trung tâm đào tạo dụng cụ chỉnh hình - nơi tôi học tập từ những ngày đầu. Trong quá trình làm việc trong suốt 20 năm qua, tôi không chỉ được truyền đạt thêm kinh nghiệm, kiến thức quý giá, nâng cao tay nghề mà đây còn là cơ hội được giúp đỡ nhiều trẻ em, người khuyết tật có phương tiện di chuyển, sinh hoạt. Khó khăn thì cũng có nhiều nhưng làm hỏng thì mình làm lại, làm đến bao giờ được thì thôi”.

Công việc không có ngày nghỉ, thậm chí có ngày anh tiếp nhận 10 trường hợp. Ảnh: Khánh Linh
Vừa phụ trách chuyên môn lại là người kết nối nhưng người cựu chiến binh chưa bao giờ cảm thấy đủ. Bởi “Công việc này là niềm say mê, nhiều người có lòng tốt, bỏ tiền, bỏ của, mình chỉ bỏ công thôi, vậy tại sao phải dừng lại” – bác sĩ nhấn mạnh.
Không có phép màu giữa đời thường nhưng bác sĩ Đô đã, đang và sẽ tạo ra những bước đi vững chắc cho người khuyết tật bằng sự cống hiến miệt mài và nỗ lực nuôi dưỡng sợi dây kết nối qua nhiều thế hệ để gắn kết những tấm lòng hảo tâm.
Khánh Linh