Khoảng 1.800 tỷ đồng xây đường ngang, hầm chui để xóa lối đi tự mở qua đường sắt
(CLO) Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2031 để thực hiện dự án xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.
Dự án sẽ xây dựng đường ngang, hầm chui kết hợp với hệ thống đường gom do các địa phương dọc tuyến đầu tư để xóa bỏ các lối đi tự mở theo Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt".

Đề xuất khoảng 1.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Ảnh minh họa.
Tại Đề án 358, mục tiêu đặt ra bằng nhiều giải pháp đến 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui.
Tuy nhiên nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình này và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào/đường gom... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình.
Vì vậy Cục Đường sắt đề xuất bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2031 để tiến hành xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Có tới 1.510 đường ngang gồm 677 đường ngang có người gác, 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 738 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 86 đường ngang phòng vệ bằng biển báo.
Ngoài ra về lối đi tự mở còn đến 3.262 vị trí chiếm tỉ lệ 68,3% tổng số giao cắt. Trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen và 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.