Nam Định: Chủ động khoanh vùng, bảo vệ lúa mùa mới gieo cấy không để bị ngập úng khi có mưa
(CLO) Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy 71,2 nghìn ha lúa. Đợt mưa lớn kéo dài đầu vụ hồi tháng 7 đã gây ngập úng và làm thiệt hại nhiều diện tích lúa mùa mới gieo cấy.
Để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra cũng như đảm bảo kịp thời mùa vụ, đảm bảo năng xuất lúa mùa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tích cực huy động lực lượng, phương tiện chống úng cho toàn bộ diện tích lúa mùa; chủ động gieo mạ nền từ ngày 23/7 để cấy lại những diện tích lúa bị chết. Cấy dặm bổ sung cho diện tích lúa bị chết úng để bảo đảm mật độ.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã cơ bản khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa mùa bị thiệt hại do mưa úng gây ra. Tuy nhiên, tại một số vùng thấp trũng, nước ngập sâu như các xã Nam Thái, Nam Hải (Nam Trực) nước tiêu rút rất chậm nên vẫn chưa hoàn thành gieo cấy lại.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã cơ bản khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa mùa bị thiệt hại do mưa úng gây ra.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định, đối với diện tích lúa không bị ảnh hưởng ngập úng (khoảng 30 nghìn ha, chiếm 42% diện tích) thì lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Các địa phương đã tổ chức chăm sóc đợt 1, đợt 2 và lúa đã đẻ đủ số dảnh (trên 400 dảnh/m2).
Đối với khoảng 25 nghìn ha phải dặm tỉa, các địa phương đã dặm, tỉa xong và chuẩn bị chăm sóc đợt 1. Đối với diện tích lúa bị chết úng phải gieo cấy lại (khoảng 17 nghìn ha, chiếm 23% diện tích), các hộ nông dân đã chủ động gieo mạ nền, tận dụng mạ dự phòng và tập trung cấy lại từ ngày 30/7; hiện lúa đang bén rễ, hồi xanh.
Đi kiểm tra thực địa tại các xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), Trực Khang (Trực Ninh), Đồng Sơn (Nam Trực), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tổ chức kiểm tra, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Những diện tích lúa không bị thiệt hại do mưa úng, sinh trưởng tốt thì tổ chức khoanh vùng rút nước, phơi ruộng từ ngày 11/8 và lấy nước trở lại từ ngày 18/8/2024. Bón đủ lượng phân ka-li theo quy trình hướng dẫn.
Diện tích lúa còn xấu và diện tích gieo cấy lại phải đảm bảo giữ nước nông cho lúa đẻ nhánh; sau đó khẩn trương chăm sóc; tổ chức rút nước lộ ruộng khi lúa đạt đủ số dảnh cơ bản. Do các trà lúa sinh trưởng khác nhau nên sâu bệnh phát sinh gây hại sẽ rất khác nhau, vì vậy cần tăng cường theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh trên các trà lúa và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Trần Anh Dũng cũng đề nghị các địa phương có nhiều diện tích thấp trũng, nhất là các xã của huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng chủ động khoanh vùng và có phương án cụ thể để tiêu úng khi có mưa lớn. Tập trung chỉ đạo bảo vệ diện tích lúa mới gieo cấy không để bị ngập úng khi có mưa.