Xử lý tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình
(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có thông tin trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình liên quan đến tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình hoạt động không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Theo Bộ GTVT, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ. Khoản 6 Điều 56 đã quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình hoạt động không đúng quy định của pháp luật gây khó khăn trong công tác quản lý.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ;
Khoản 5 Điều 7 đã quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có chế tài xử lý phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân.
Từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đối với hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, bổ sung quy định trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động vận tải đường bộ (dự kiến trình Chính phủ trước 15/10/2024) và Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Phối hợp với cơ quan thuộc Bộ Công an trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có xe ô tô kinh doanh vận tải.