Trường Đại học Văn Lang: Điểm đầu vào thấp nhưng doanh thu lại rất cao
(CLO) Nhiều năm duy trì chính sách điểm chuẩn thấp, tuyển sinh vượt chỉ tiêu nên Trường Đại học Văn Lang có doanh thu vào top đầu trường đại học là điều dễ dàng lý giải được.
Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, dư luận một lần nữa hướng về trường học có doanh thu vào loại cao nhất Việt Nam và luôn nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á, thế giới.
Tuy nhiên, giống như các năm dư luận vẫn thấy không có gì thay đổi khi điểm chuẩn của trường này rất thấp, 3 môn chỉ 16 điểm là có thể theo học các ngành thời thượng tại trường này.

Trường Đại học Văn Lang: Điểm đầu vào thấp nhưng doanh thu lại rất cao.
Đơn cử như các ngành Quản trị Kinh doanh, Marketing, Bất động sản, Kinh doanh Quốc tế, Kinh doanh Thương mại, Thương Mại điện tử… đều có mức điểm chuẩn 16 điểm.
Các ngành Luật Kinh tế, Kỹ thuật phần mềm, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử cũng lấy 16 điểm.

Với số điểm này, nhiều người thấy khó hiểu, tại sao một trường xếp hạng quốc tế lại có điểm đầu vào thấp như vậy. Trong khi những trường tỉnh, khó khăn trăm bề nhiều ngành họ lấy chuẩn trên 27 điểm.
Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Văn Lang có thể thấy, bên cạnh tuyển sinh với tiêu chí hạ điểm chuẩn thấp thì nhà trường liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Cụ thể trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của nhà trường, số liệu thống kê việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu tồn tại ở nhiều ngành. Như ngành Tài chính - Ngân hàng có 215 chỉ tiêu nhưng số nhập học 631. Ngành Luật Kinh tế có 120 chỉ tiêu nhưng nhập học 309. Lĩnh vực máy tính và Công nghệ thông tin, có 205 chỉ tiêu nhưng nhập học 482.

Việc lấy điểm chuẩn thấp, tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã mang lại cho trường nguồn thu rất lớn. Số liệu của trường công bố, tổng nguồn thu của Trường Đại học Văn Lang trong năm 2022 là 1.758 tỷ đồng, chủ yếu đến từ học phí. Tài chính của trường đã tăng lên trong những năm gần đây: 776 tỷ đồng năm 2020, 1.030 tỷ đồng năm 2021 và 1.758 tỷ đồng năm 2022.
Với nguồn thu như trên, Trường Đại học Văn Lang xếp vào top những trường có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh điểm đầu vào thấp, doanh thu cao thì Trường Đại học Văn Lang còn được nhiều người quan tâm vì luôn có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Năm 2024, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 857 trường, trong đó có 15 đại diện đến từ Việt Nam. Lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng của QS, Trường Đại học Văn Lang đã đáp ứng 11 tiêu chí của tổ chức, xếp hạng 117 tại Đông Nam Á, top 701 - 750 trường đại học tốt nhất châu Á năm 2024.
Ngày 12/06/2024, Trường Đại học Văn Lang chính thức được xếp hạng THE Impact Rankings 2024, thuộc top 801 - 1000 thế giới về mức độ ảnh hưởng đối với sự phát triển bền vững toàn cầu.
Trong lần tham gia này, Trường Đại học Văn Lang đã thể hiện xuất sắc khi đạt thứ hạng ở cả 17 mục tiêu SDGs, điều mà khá ít cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và khu vực có được.
Đặc biệt, trường dẫn đầu các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam tham gia đánh giá ở mục tiêu SDG6 (Nước sạch và vệ sinh), vươn lên top 101-200 trên thế giới ở hạng mục này.
Việc Trường Đại học Văn Lang và một số trường ngoài công lập khác thường xuyên có mặt tại các bảng xếp hạng quốc tế khiến cho nhiều người hoài nghi về chất lượng thật. Bởi các trường danh tiếng của Việt Nam như Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh Tế Quốc dân, Đại học Y Hà Nội… chưa một lần được nhắc đến.
Câu chuyện của Trường Đại học Văn Lang điểm chuẩn thấp, tuyển vượt chỉ tiêu nhiều ngành, doanh thu cao, được xếp hạng quốc tế thực sự là một hiện tượng hiếm có, khó tìm đối với môi trường đại học hiện nay.