Thái Bình: Ô nhiễm môi trường vẫn hoành hành tại khu vực chân cầu Nghìn
(CLO) Vùng đất bãi bồi nằm hai bên bờ sông Hóa, khu vực chân cầu Nghìn tại thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) từng nổi tiếng với 64 lò vôi hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau khi chính quyền các cấp đã quyết định xóa bỏ những lò vôi này vào năm 2017, người dân địa phương kỳ vọng sẽ được sống trong một môi trường trong lành hơn. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Mặc dù các lò vôi đã được xóa bỏ, nhưng ngay sau đó, các cơ sở sản xuất và kinh doanh khác lại xuất hiện, gây ô nhiễm không kém với những lò vôi trước khi xóa bỏ. Theo phản ánh của người dân thị trấn An Bài, khu vực đất bãi bồi dưới chân cầu Nghìn đã xuất hiện hàng loạt hoạt động sản xuất mới, như trạm trộn bê tông không phép, xưởng sản xuất giấy tiền và tái chế nhựa...

Bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép đua nhau “mọc” lên hai bên chân cầu Nghìn.
Bà Vũ Thị Hoài, một người dân trú ở tổ dân phố số 2, bức xúc cho biết: “Nhà tôi nằm ngay dưới chân cầu Nghìn, hầu như phải đóng cửa 24/24 vì ô nhiễm và khói bụi. Các xe chở vật liệu, xe bồn chở bê tông tươi ra vào liên tục, gây khói bụi mù mịt, làm mất an toàn giao thông. Khi các xưởng sản xuất giấy và hạt nhựa hoạt động, mùi khét tỏa ra khiến tôi cảm thấy đau tức ngực. Tôi không ngờ rằng sau khi xóa bỏ lò vôi, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục diễn ra...”
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài, cho biết: “Năm 2017, thực hiện quyết định xóa bỏ lò sản xuất vôi, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ 64 lò vôi. Tuy nhiên, sau khi lò vôi bị xóa bỏ, nhiều hộ gia đình không còn thu nhập, dẫn đến nợ nần. Kể từ đó đến nay, tỉnh và các ngành chức năng chưa tiến hành quy hoạch khu vực cầu Nghìn, nên người dân đã tận dụng đất trống để mở lại nhiều hoạt động sản xuất khác.”
Ông Chiến cũng đề cập rằng mặc dù một số hộ gia đình đã làm hồ sơ xin cấp phép kinh doanh, nhưng đều bị từ chối do khu vực này vẫn nằm trong quy hoạch.

Toàn cảnh bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép đua nhau “mọc” lên tại chân cầu Nghìn thuộc Thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ.
Cũng theo tài liệu, tổng diện tích khu vực từng sản xuất vôi và kinh doanh vật liệu xây dựng tại chân cầu Nghìn là 106.746m2, nằm ngoài đê sông Hóa. Hiện tại, tại khu vực này có nhiều cơ sở hoạt động, gồm 2 cơ sở sản xuất giấy cuộn lô, 2 cơ sở chăn nuôi lợn, 5 trạm trộn bê tông, 5 cơ sở tái chế bao bì và nhựa, cùng nhiều cơ sở thu gom phế liệu và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Người dân nơi đây đang mong chờ các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sớm thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 phân khu chức năng theo quy hoạch đô thị đã được duyệt; kêu gọi nhà đầu tư vào quy hoạch chi tiết khu cầu Nghìn để trả lại một môi trường sống trong sạch và an toàn cho người dân nơi đây.