Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 hoàn toàn khả thi

02/09/2024 06:35

(NB&CL) Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những những triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sau 79 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã có bước phát triển nhảy vọt về mọi mặt của đời sống - kinh tế - xã hội, giống như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Để sánh ngang với các cường quốc năm châu, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

viet nam tro thanh quoc gia co thu nhap trung binh cao truoc nam 2030 hoan toan kha thi hinh 1

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong 40 năm Đổi mới, đặc biệt là giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 hoàn toàn có tính khả thi.

Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và được quốc tế ghi nhận

Bộ trưởng đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, liệu mục tiêu tới năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao có khả thi hay không?

- Thời gian vừa qua, mặc dù trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nặng nề hơn so với dự báo, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp vừa phòng chống kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. 

Đặc biệt kinh tế vĩ mô cơ bản luôn được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với các quốc gia trong khu vực (giai đoạn 2021-2023 đạt 5,2% bình quân năm). 

Chất lượng tăng trưởng cũng có chuyển biến tích cực, được nâng lên một bước thể hiện qua chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 4,35%/năm và đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 37,6% trong giai đoạn 2021-2023. 

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII cho giai đoạn 2021-2025 dự kiến có thể đạt và vượt như GDP bình quân đầu người, tỷ lệ nợ công, tỷ lệ nợ chính phủ, tỷ lệ nợ nước ngoài, tỷ lệ đô thị hóa, chỉ số phát triển con người (HDI), tỷ trọng lao động trong tổng lao động xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tỷ lệ che phủ rừng...

Mục tiêu tới năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021) xác định, thể hiện sự quyết tâm phấn đấu, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị các cấp. 

Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn có tính khả thi, nhất là đối với mục tiêu nước thu nhập trung bình cao. 

Theo cách chia nhóm của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2024, các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) từ 4.516-14.005 USD được xếp là nước có thu nhập trung bình cao cho giai đoạn 2024-2025. Tính đến hết năm 2023, chỉ tiêu này của nước ta đạt khoảng 4.200 USD, tức là cách mức cận dưới khoảng hơn 300 USD. 

Nếu tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2024-2025 đạt mức trên 5,5%/năm, Việt Nam sẽ có mức GNI/người khoảng trên 4.550 USD, chính thức bước vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình. 

Trên thực tế, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho tăng trưởng của cả nước bình quân 2 năm 2024-2025 khoảng 6,5-7,0%/năm, quyết tâm có những bước tiến vững chắc, tạo đà cho sự bứt phá của đất nước ta khi bước vào một ngưỡng phát triển mới. Như vậy, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030.

viet nam tro thanh quoc gia co thu nhap trung binh cao truoc nam 2030 hoan toan kha thi hinh 2

Kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản luôn được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. (Ảnh: ST)

Thế và lực cho phát triển của đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới đã hoàn toàn khác

Để trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết, Việt Nam đang đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình” thế nào?

- Theo nghiên cứu cách đây đã hơn 10 năm của Ngân hàng Thế giới (vào năm 2013), họ đã quan sát rằng từ năm 1960 cho đến năm 2008, chỉ có 13 quốc gia trong 101 quốc gia có thu nhập trung bình đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. 

Gần đây nhất, cũng tại báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Báo cáo Phát triển Thế giới 2024) đã cho biết từ năm 1990, đã có tới 34 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trong đó có các nền kinh tế ở khu vực châu Á. 

Khi quan sát sự phát triển của các con rồng, con hổ châu Á và Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ rất ấn tượng, như Nhật Bản (1951-1973): 12%/năm (23 năm); Hàn Quốc (1963-1991): 8,6%/năm (29 năm); Singapore (1965-1997): 8,9%/năm (33 năm); Đài Loan (Trung Quốc) (1952-1989): 8,9%/năm (38 năm); Trung Quốc (1978-2011): 10,0%/năm (34 năm). 

Hiện trong số này, chỉ có Trung Quốc chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình là rất khó khăn nhưng không phải không có cách, không phải là bài toán không có lời giải. Trong khu vực và quốc tế có nhiều ví dụ hữu ích để chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.                                                  

Thế và lực cho phát triển của đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới đã hoàn toàn khác với rất nhiều tiềm năng được khai mở và còn nhiều dư địa cho phát triển, là điều kiện thuận lợi cho chúng ta có thể thoát bẫy.

Thứ nhất, ổn định chính trị - xã hội là một điểm mạnh, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Chúng ta đã duy trì sự ổn định chính trị ngay ở cả những giai đoạn chịu ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới.

viet nam tro thanh quoc gia co thu nhap trung binh cao truoc nam 2030 hoan toan kha thi hinh 3

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Thế và lực cho phát triển của đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới đã hoàn toàn khác. (Ảnh: MPI)

Toàn bộ hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế đã nhanh chóng được phục hồi trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.

Thứ hai, nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta khá vững chắc, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6,5-7,0%/năm trong nhiều thập niên, nhờ đó thu nhập đầu người cũng tăng nhanh, tạo động lực cho việc đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo đói, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì ổn định xã hội. 

Như đã trình bày ở câu hỏi trước, Việt Nam sẽ sớm gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao. Chúng ta đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đã hình thành, gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, đóng góp lớn cho xuất khẩu và phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước. 

Đi kèm với đó là hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, dần hiện đại, đồng bộ, là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

Thứ ba, bên cạnh đó, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong số ít các quốc gia đạt được tăng trưởng cao đi đôi với công bằng xã hội. Đời sống nhân dân được nâng cao, các dịch vụ y tế, giáo dục được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm. 

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống mức rất thấp, hầu như không còn tình trạng nghèo cùng cực. Đặc biệt, chúng ta có một nguồn lao động trẻ tương đối dồi dào, thích nghi tốt với những thay đổi khoa học công nghệ.

Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng gia tăng. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã ký kết FTA và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. 

Đồng thời, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương - APPF... 

Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của nhiều định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)... 

Thứ năm, chúng ta có các yếu tố tự nhiên ban tặng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội như vị trí địa lý, tài nguyên rừng, biển, có thể góp phần tạo ra những ngành mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như nông nghiệp, cảng biển, du lịch…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Các yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục; năng lực sản xuất, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. 

Tốc độ tăng trưởng trong thời gian qua vẫn ở dưới mức tiềm năng và có xu hướng chậm lại. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; một số ngành chủ lực phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc, năng lực tự chủ công nghệ của nhiều ngành công nghiệp chưa được cải thiện. Các mô hình kinh tế mới chậm được triển khai và nhân rộng.

viet nam tro thanh quoc gia co thu nhap trung binh cao truoc nam 2030 hoan toan kha thi hinh 4

Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc, năng lực tự chủ công nghệ của nhiều ngành công nghiệp chưa được cải thiện. (Ảnh: ST)

Độ mở của nền kinh tế lớn làm kinh tế trong nước chịu tác động của kinh tế thế giới nhanh và mạnh hơn trong khi năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế chậm được cải thiện, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực. 

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Các vấn đề xã hội như tốc độ già hóa dân số nhanh, chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền… gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu nhân lực chất lượng cao trong khi lợi thế từ cơ cấu “dân số vàng” đang giảm dần. 

Đồng thời, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nhanh với cường độ mạnh, khó lường. Quản lý, sử dụng tài nguyên còn bất cập; việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường vẫn là những thách thức lớn. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt chưa cao.

Mặc dù khó khăn là như vậy, nhưng tôi tin tưởng như lời đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay”. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong một thời gian không xa.

(Còn tiếp)

Việt Vũ