Viettel giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến tốc độ, dung lượng và chi phí sử dụng kết nối 5G
(CLO) Tại hội thảo "Nền tảng công nghệ khai thác mạng lưới 5G Viettel, các ứng dụng và giải pháp kinh doanh mạng 5G tại Việt Nam" tổ chức vào sáng 24/10, Viettel đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến dung lượng, tốc độ và các gói cước 5G vừa được nhà mạng này thương mại hóa tại Việt Nam.
Dùng 5G có tốn dung lượng hơn 4G?
Ngay sau khi mạng 5G lần đầu tiên được Viettel thương mại hóa tại Việt Nam, nhiều người dùng đã bày tỏ thắc mắc về việc liệu dữ liệu của kết nối mới này có nhanh hết hơn kết nối 4G cũ hay không.
Ghi nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom cho biết: "5G không tốn data hơn 4G nếu sử dụng tác vụ và nội dung với cùng một chất lượng, đặc biệt với nhu cầu cơ bản của người dùng như truy cập mạng xã hội, tải tài liệu".
Tuy nhiên, theo ông Sơn, một trong những lý do chính khiến 5G gây tốn dung lượng hơn là người dùng có thể trải nghiệm một số dịch vụ cần tốc độ siêu nhanh mà 4G trước đây khó đáp ứng, như xem video độ phân giải cao 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR. Hay tốc độ cao của mạng 5G cũng giúp nội dung được tải về trong thời gian rất ngắn, khác với việc tải từ từ như 4G trước đây.
Đặc biệt trong giai đoạn đầu, nhiều người có thói quen đánh giá tốc độ của mạng bằng các công cụ bên thứ ba, vốn tiêu tốn data trên thiết bị. Ví dụ với Ookla Speedtest, mỗi lần đo chất lượng mạng, ứng dụng ngốn từ vài trăm MB đến gần 1 GB dung lượng.

Mạng 5G đã được Viettel triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ ngày 15/10
Qua thống kê của Viettel cho thấy, khi sử dụng kết nối 5G, người dùng cũng sử dụng nhiều hơn. Với mạng 4G, người dùng thuộc nhà mạng này tiêu thụ khoảng 16 GB mỗi tháng, trong khi với mạng 5G, dung lượng đang tăng gấp đôi. Trung bình trên toàn mạng lưới, lưu lượng hoạt động trên mạng 5G bằng 5% so với mạng 4G, trong khi ở khu vực thành thị, tỷ lệ này đạt gần 15% so với 4G. Đây cũng là lý do gói cước 5G hiện được thiết kế với dung lượng cao hơn 4G.
Ngoài ra, lý giải một số ý kiến cho rằng kết nối mạng 5G chưa ổn định đó là do số lượng trạm phát sóng vẫn còn hạn chế và chưa tương đương khi so với trạm phát 4G. Ở khung giờ thấp tải, tốc độ 5G có thể đạt mức trên 500Mbps. Tuy nhiên, khi có quá nhiều người dùng thử nghiệm trong cùng một thời điểm, tốc độ kiểm tra có thể sẽ bị giảm xuống.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu hệ thống này chưa hoạt động mượt mà, cần có thời gian để nhà mạng tiến hành điều chỉnh. Kết nối 5G sẽ được ưu tiên triển khai ở những nơi mật độ người sử dụng lớn, đông dân cư, những nơi thưa dân việc đầu tư sẽ rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác cũng tác động đến tốc độ mạng 5G như vị trí sử dụng thiết bị, ở gần hay xa trạm phát sóng hay thời điểm đó có nhiều người dùng truy cập hay không.
Không bị trừ tiền khi dùng gói 4G nhưng bắt được sóng 5G.
Cũng tại hội thảo, đại diện Viettel cho biết nhà mạng này đang hướng đến xây dựng một mạng 5G xanh, tiết kiệm năng lượng và bền vững.
Cụ thể, mạng 5G của Viettel có thể tiết kiệm 200 triệu Kwh điện mỗi năm, giúp giảm 50% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Ngoài ra, Viettel còn áp dụng các tính năng tiên tiến giúp giảm 70% điện năng tiêu thụ khi các trạm 5G hoạt động ở chế độ tải thấp. Đặc biệt, có thể đưa trạm 5G vào trạng thái ngủ đông, giúp tiết kiệm tới 95% điện năng.
Đồng thời, Viettel cũng rất chú trọng đến việc bảo mật thông tin. Để đảm bảo an toàn và an ninh, Viettel sử dụng các công nghệ mã hóa tiên tiến và thiết bị từ những nhà cung cấp đáng tin cậy.

Người dùng sẽ không bị phát sinh chi phí khi đăng ký 4G nhưng bắt được sóng 5G
Để sử dụng 5G, khách hàng cần đảm bảo 1 số yêu cầu sau: Là thuê bao của nhà mạng có cung cấp 5G, trong đó có Viettel; ở khu vực có sóng 5G; sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G, bật chế độ 5G trên điện thoại và sử dụng SIM từ 4G trở lên (không cần đổi SIM 5G).
"Với chiến lược của Viettel là ai ai cũng có thể dùng 5G nếu đảm bảo có máy 5G, trong vùng phủ 5G mà không cần đổi sim hay đăng ký gói cước; khách hàng hoàn toàn không mất thêm phí phát sinh", ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.