Vĩnh Phúc: Phát triển báo chí trên nền tảng số

26/06/2024 18:00

Trong hệ sinh thái truyền thông đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ngành báo chí đã chủ động tìm lời giải cho những thách thức để cùng phát triển. Và chuyển đổi số là lời giải để các cơ quan báo chí Vĩnh Phúc.

Chuyển đổi số là phương pháp báo chí Vĩnh Phúc đang thực hiện mạnh mẽ, điều đó đã góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách sâu rộng hơn, nhanh chóng hơn và chính xác hơn. Qua đó, củng cố được niềm tin và tạo sự đồng thuận của người dân.

vinh phuc phat trien bao chi tren nen tang so hinh 1

Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới các sản phẩm, bắt nhịp với xu thế phát triển của truyền thông hiện đại

Hiện trên địa bàn tỉnhVĩnh Phúc có 3 cơ quan báo chí: Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc và hệ thống trang/cổng thông tin điện tử tổng hợp; bản tin của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; hệ thống truyền thanh cơ sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Những năm qua, trước sự bùng nổ của các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí của tỉnh hiện nay. Trước những thách thức đó, các cơ quan báo chí của tỉnh đã tự đổi mới mình theo xu hướng số.

Trong đó, tập trung chuyển đổi số, xây dựng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, kết hợp các loại hình truyền thông để cung cấp, truyền tải các sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình để người dân có thể tiếp nhận thông tin mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử thông minh.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại giúp phóng viên trong thu thập tin tức, sản xuất tin bài, phân phối nội dung báo chí thông minh hơn, gần gũi, nhanh và chính xác hơn đến bạn đọc.

Để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân được kịp thời, những năm qua, Báo Vĩnh Phúc đã tích cực thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả nhanh chóng, chính xác và đa dạng.

Hiện Báo Vĩnh Phúc đang quản trị nội dung trên phần mềm Tòa soạn điện tử khoa học; triển khai thực hiện Đề án xây dựng phần mềm Tòa soạn hội tụ, phát triển báo chí đa phương tiện và số hóa dữ liệu Báo Vĩnh Phúc; đã xây dựng giao diện Báo Vĩnh Phúc điện tử (https//baovinhphuc.vn) có thể tương thích với các thiết bị di động thông minh.

vinh phuc phat trien bao chi tren nen tang so hinh 2

Ngày nay, cách tiếp cận thông tin của bạn đọc đa số qua môi trường mạng, trước sự thay đổi đó, Báo Vĩnh Phúc đã xây dựng, quản trị fanpage của Báo Vĩnh Phúc điện tử; tài khoản Zalo.me/baovinhphuc; tài khoản Tiktok Báo Vĩnh Phúc và duy trì kênh Youtube Báo Vĩnh Phúc.

Đến thời điểm này, Báo Vĩnh Phúc đã có 5 ấn phẩm gồm: Báo Vĩnh Phúc hằng ngày; Báo Vĩnh Phúc Cuối tuần; Báo Vĩnh Phúc Chủ nhật; Báo Ảnh Vĩnh Phúc và Báo Vĩnh Phúc điện tử. Tất cả các các nội dung nổi bật trên ấn phẩm của Báo Vĩnh Phúc đều được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Để bạn đọc dễ dàng tiếp cận nội dung một cách nhanh nhất, Báo Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng ứng dụng đọc Báo Vĩnh Phúc trên App Store… Các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội do Báo Vĩnh Phúc lập và quản trị đã thu hút được một lượng độc giả không hề nhỏ. Chỉ tính riêng Fanpage Báo Vĩnh Phúc đã có tới hơn 21.000 lượt người theo dõi…

Không đứng ngoài xu thế chung, những năm qua, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc đã được tỉnh quan tâm, đầu tư hệ thống công nghệ mới để sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng đồng bộ, hiện đại.

Các trang thiết bị số hóa được lắp đặt tại các studio truyền hình và phát thanh để từng bước chuyển đổi số. Đơn vị đã đưa ứng dụng truyền hình trực tuyến vào hoạt động, cho phép khán giả xem trực tiếp các chương trình truyền hình, nghe phát thanh, xem lại các chương trình mọi lúc, mọi nơi, trên thiết bị di động.

Để thích ứng với xu thế phát triển mới, đơn vị cũng đã xây dựng fanpage với 14.000 lượt người theo dõi; kênh Youtube với hơn 14.000 lượt người đăng ký; ứng dụng Tiktok đã thu hút gần 17.000 lượt người thích và theo dõi kênh. Sự phát triển đa dạng của công nghệ số, các hạ tầng mạng xã hội đã góp phần đắc lực đưa những thông tin chính thống đến với độc giả trong và ngoài tỉnh.

Theo bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí đã ban hành kèm theo Quyết định số 951 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 42 tiêu chí được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí.

Bao gồm chiến lược; hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; độc giả, khán giả, thính giả; mức độ ứng dụng công nghệ số.

Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần, trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (10 chỉ số thành phần và 42 tiêu chí).

Riêng chỉ số nền tảng số gồm 11 tiêu chí: Có ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hoặc có hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; có thực hiện phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước) hoặc trên các nền tảng tự xây dựng, vận hành (trang web, ứng dụng trên mobile, tablet, smartTV,…)

Có áp dụng hệ thống quản trị nội dung (CMS) trong quá trình sản xuất, phân phối nội dung; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động; có các kênh thông tin riêng trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, YouTube…

Chiểu theo bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số, theo đánh giá tổng thể, các cơ quan báo chí Vĩnh Phúc đạt mức 4, và đây là mức được xếp hạng tốt. Việc chuyển đổi số đã giúp các cơ quan báo chí Vĩnh Phúc ngày càng gần gũi với độc giả hơn.

PV