Xây dựng Luật Phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

30/10/2024 19:54

(CLO) Chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Theo đó, dự thảo Luật Phòng không nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không...

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày trước Quốc hội cho thấy, đối với nội dung quy định tại Điều 5 về nhiệm vụ phòng không nhân dân, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5.000m” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.

xay dung luat phong khong nhan dan de dap ung yeu cau bao ve to quoc trong tinh hinh moi hinh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản này theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.

Về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, có ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng phòng không nhân dân huy động là khó khả thi; cân nhắc quy định việc huy động nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quần chúng khi tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân huy động.

xay dung luat phong khong nhan dan de dap ung yeu cau bao ve to quoc trong tinh hinh moi hinh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với nguyên tắc xây dựng lực lượng phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thay cụm từ “lực lượng phòng không nhân dân huy động” bằng cụm từ “lực lượng rộng rãi” để có tính bao quát hơn; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng làm rõ lực lượng phòng không nhân dân.

Quan tâm tới nội dung tại Điều 6 về trọng điểm phòng không nhân dân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, tại khoản 2 dự thảo Luật cần bổ sung, quy định rõ khi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh thì các quận, huyện trực thuộc tỉnh, thành phố này có đương nhiên là trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện hay không.

xay dung luat phong khong nhan dan de dap ung yeu cau bao ve to quoc trong tinh hinh moi hinh 3

Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tại khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định, trong thời bình, thời hạn huy động để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương không quá 7 ngày/năm. Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, như vậy sẽ thiếu tính đồng bộ vì có thể đơn vị sẽ tổ chức từ 1-7 ngày. Đại biểu kiến nghị bỏ cụm từ “không quá”, bổ sung cụm từ khác để thống nhất chung thời gian từ 5-7 ngày để đảm bảo thời gian huy động tham gia bồi dưỡng, tập huấn phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương.

Cho ý kiến đối với dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung, chuẩn hóa một số vấn đề từ ngữ, về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, nhất là tổ chức lực lượng ở các doanh nghiệp phù hợp với phương án tác chiến phòng thủ, không làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

xay dung luat phong khong nhan dan de dap ung yeu cau bao ve to quoc trong tinh hinh moi hinh 4

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 30/10.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác; về thẩm quyền đình chỉ, miễn cấp phép bay, tầm nhìn trực quan; về đình chỉ, thu hồi giấy phép của phương tiện bay không người lái... Đa số đại biểu nhất trí về việc phân định, phân cấp để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, song cần đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh; cho rằng cần phân loại hoạt động bay, vùng bay, từ đó phân hóa trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể gắn với từng hoạt động bay, làm rõ quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã bám sát kết luận, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội để tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo Luật một cách công phu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh tập trung chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Báo cáo tiếp thu giải trình theo đúng thời gian quy định.

N.Hường