Phân khúc xe gầm cao cỡ B ngày càng chật chội
(CLO) Cuộc cạnh tranh ở phân khúc xe gầm cao cỡ B được dự báo sẽ ngày càng trở nên căng thẳng với sự xuất hiện của loạt đối thủ mới, trong đó hầu hết đến từ Trung Quốc.
Theo kế hoạch được các hãng ô tô công bố, chỉ tính riêng giai đoạn cuối năm 2024, phân khúc SUV/crossover cỡ B sẽ đón nhận thêm ít nhất 3 mẫu xe mới là Haval Jolion, Omoda C5 và Jaecoo J7. Với sự xuất hiện của các “tân binh” đến từ Trung Quốc, phân khúc ô tô gầm cao đô thị sẽ có ít nhất 15 mẫu xe.
Chen chúc ở thị trường ngách
Xe gầm cao đô thị cỡ B từng chỉ được xem là một con ngách nhỏ ở thị trường ô tô Việt Nam. Kích thước lỡ cỡ khi chen vào giữa 2 phân khúc đang được ưa chuộng lúc bấy giờ là hatchback cỡ A và C-SUV khiến các loại xe gầm cao cỡ B không nhận được nhiều kỳ vọng.

Toyota Corolla Cross - mẫu xe gầm cao cỡ B+ vẫn đang được nhiều khách hàng lựa chọn - Ảnh: Huy Thắng
Đây cũng là lý do phải đến tận năm 2014 thị trường mới đón nhận mẫu xe đầu tiên là Ford EcoSport, mặc dù trước đó đã có giai đoạn từ 2008 đến 2010 bùng nổ cả về doanh số lẫn sản phẩm.
Đáng chú ý là đến năm 2022, mẫu xe từng sắm vai mở đường cho phân khúc là Ford EcoSport lại chính thức “khai tử” tại thị trường Việt Nam, nhường lại sân chơi cho những kẻ đến sau như Hyundai Kona (nay là Creta), Kia Seltos, Mazda CX-3, Honda HR-V, Toyota Yaris Cross hay mới nhất là Mitsubishi Xforce. Ở thời điểm rút EcoSport khỏi thị trường, Ford Việt Nam từng hứa hẹn sẽ đưa một mẫu xe khác trở lại thay thế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hãng xe Mỹ vẫn bỏ ngỏ phân khúc từng gặt hái không ít thành công.
Sau giai đoạn Ford EcoSport “một mình một chợ”, các đối thủ đến sau như Hyundai Creta, Kia Seltos liên tiếp gặt hái những thành công. Sức hấp dẫn của những chiếc xe cỡ nhỏ, giá bán hợp lý trong khi khả năng vận hành đa dạng giúp phân khúc SUV/crossover cỡ B ngày càng trở nên hấp dẫn.
Ngay cả thương hiệu vốn bị coi là bảo thủ như Toyota cũng mang Corolla Cross và sau đó là Yaris Cross về bán. Honda vốn đang “no đủ” ở mảng xe máy cũng quyết định gia nhập phân khúc bằng HR-V. Mitsubishi là thương hiệu tham gia muộn hơn song lại đang bứt tốc mạnh mẽ với Xforce.
Tính đến thời điểm này, phân khúc gầm cao cỡ B (bao gồm cả Toyota Corolla Cross ở nhóm B+) đang có ít nhất 12 mẫu xe cạnh tranh cùng nhau, trong đó nhóm thương hiệu Nhật Bản chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn sản lượng.
Dự kiến trong 3 tháng cuối năm, phân khúc gầm cao cỡ B sẽ chào đón thêm ít nhất 3 sản phẩm mới là Haval Jolion, Omoda C5 và Jaecoo J7, qua đó khiến thị trường ngách này ngày càng trở nên chật chội.
Lợi thế nào cho kẻ đến sau?
Có thể thấy trong giai đoạn thị trường chưa thực sự bước vào thời kỳ ô tô hóa thì các phân khúc xe phổ thông giá thấp vẫn là lựa chọn ưu tiên của phần lớn người tiêu dùng. Nếu như nhóm xe cỡ A và sedan cỡ B đang giảm dần sức hút thì phân khúc gầm cao đô thị lại được ưa chuộng.

Mẫu xe Omoda C5 trong một sự kiện lái thử tại Việt Nam - Ảnh: Omoda
Kết thúc 9 tháng năm 2024, mẫu xe mới nhất gia nhập phân khúc là Mitsubishi Xforce đã tiến sát mốc 10.000 chiếc bán ra thị trường. Đáng chú ý là Xforce mới chỉ chính thức có mặt trên thị trường từ giữa tháng 1/2024.
“Hiện tượng” Xforce theo đó cũng chỉ ra một số thống kê khá thú vị: Xe gầm cao đô thị chính là phân khúc có nhiều mẫu xe chạm mốc 10.000 chiếc nhanh nhất kể từ khi bán ra thị trường. Cùng với Mitsubishi Xforce còn có một số mẫu xe khác như Kia Seltos đạt 11.223 chiếc trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021; Hyundai Crera đạt 10.219 chiếc từ tháng 3/2022 đến tháng 11/2022; Toyota Corolla Cross đạt 10.590 chiếc từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021.
Trong phân khúc gầm cao cỡ B hiện tại, VinFast VF 6 đang hoàn toàn đơn độc khi vừa là xe điện duy nhất cũng vừa là mẫu xe duy nhất mang thương hiệu Việt. Các thương hiệu châu Âu cũng mới chỉ có 1 đại diện là Peugeot 2008. Nhóm thương hiệu Hàn Quốc cũng chỉ có 2 mẫu xe là Hyundai Creta và Kia Seltos. Còn lại, phân khúc này đang bị chi phối đáng kể bởi các mẫu xe đến từ Nhật Bản.
Không chỉ áp đảo về số lượng, các mẫu xe Nhật Bản còn bỏ khá xa đối thủ về doanh số. Bảng thống kê cuối bài cũng cho thấy, 2 mẫu xe bán chạy nhất 9 tháng năm 2024 đều là xe Nhật với Mitsubishi Xforce (9.963 chiếc) và Toyota Yaris Cross (6.898 chiếc).
Theo nhận định của giới thạo xe, đối với các phân khúc ô tô phổ thông giá thấp, độ bền xét cả về chất lượng sử dụng lẫn giá trị thương hiệu vẫn là một trong những yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn xe Nhật Bản.
Mặc dù vậy, bộ đôi xe Hàn Quốc là Hyundai Creta và Kia Seltos cũng đang nắm giữ các mức sản lượng bán hàng rất tốt. Thống kê cho thấy, lũy kế 9 tháng năm 2024, Hyundai đã bán ra thị trường 5.181 chiếc Creta, đứng thứ 3 trong phân khúc; Thaco cũng bán được tổng cộng 4.253 chiếc Kia Seltos, đứng vị trí thứ 4. Ưu thế của các mẫu xe Hàn Quốc chính là giá bán khi cả 2 mẫu xe đều đang nằm trong nhóm có khoảng giá thấp nhất phân khúc.
Vốn dĩ đã chật chội và cạnh tranh căng thẳng, phân khúc gầm cao đô thị sắp đón nhận thêm 3 “tân binh” là Jaecoo J7, Haval Jolion và Omoda C5. Điểm chung của cả 3 mẫu xe này là đều mang các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Những thông tin được tiết lộ cho thấy, các mẫu xe sắp ra mắt thị trường đều sở hữu thiết kế mới, trang bị nhiều tính năng và công nghệ. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với các đối thủ vốn đã chắc chân và đang đắt khách trên thị trường, giá bán có lẽ sẽ là yếu tố mang tính quyết định.
