Sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô để bảo vệ tính mạng trẻ em
(CLO) Hiện nay xu hướng sử dụng xe ô tô ở nước ta đang tăng nhanh, đặt biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Do đó đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô tô là vấn đề cần được quan tâm.
Số liệu thống kê cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông qua 10 tháng của năm 2024 vẫn có những diễn biến phức tạp, số người tử vong xấp xỉ 9.000 người.

Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô tô là vấn đề cần được quan tâm. Ảnh minh họa.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an), Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trong đó đã có quy định đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Thông tin từ TS.Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo quy định hiện nay tất cả các chuyến đi bằng ô tô có trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m đều cần thực hiện đúng quy định.
Khi quan sát gần 1.500 trường hợp xe chở trẻ em thì có 0,7% trẻ em ngồi trong lòng người lái, rất nguy hiểm. Hơn 40% xe chở trẻ em ngồi một mình hoặc ngồi trong lòng người lớn ở ghế đầu như thế cũng không đúng so với quy định trong Luật mới.
Chi phí đầu tư thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khoảng 3-15 triệu. Nếu so với chi phí đầu tư ô tô, chi phí thiết bị an toàn này chiếm khoảng 0,3 - 04% chi phí mua xe mới. Đây là mức chi phí mà phần lớn người sở hữu ô tô có khả năng chi trả.
“Suy nghĩ người lớn ngồi sau có thể bế hoặc giữ trẻ em để phòng ngừa va chạm là nhận thức không đúng. Chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em”, TS.Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Về lộ trình thực hiện, nên tập trung triển khai quy định với xe con cá nhân trước vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao (tốc độ tối đa 120km/h), tần suất trẻ em sử dụng cao (xe gia đình) và bố mẹ, người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này.
Trước mắt khuyến khích các loại xe vận tải công cộng nên có lộ trình dài để có thời gian chuẩn bị bởi phương tiện này có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em trong vận tải công cộng và kinh doanh vận tải.