Nhiều hạn chế trong công tác hộ đê qua cơn bão lịch sử

22/11/2024 20:37

(CLO) Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác hộ đê và xử lý sự cố đê điều qua đợt mưa lũ do bão số 3 tại Hội nghị chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố có đê điều từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2024.

Hội nghị tập trung đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau cơn bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn; nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của các Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trước mắt cũng như lâu dài.

nhieu han che trong cong tac ho de qua con bao lich su hinh 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác hộ đê và xử lý sự cố đê điều qua đợt mưa lũ do bão số 3.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết trong đợt thiên tai do bão số 3 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều, giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Tuy nhiên, mưa lũ đã bộc lộ những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác hộ đê, xử lý sự cố như: công tác đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm đê điều xung yếu có nơi còn chưa sát với thực tế; công tác tuần tra canh gác ở một số địa phương còn lơ là.

Cạnh đó, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố, hộ đê của lực lượng tham gia ứng phó còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; tình trạng vi phạm lấn chiếm bãi sông làm giảm khả năng thoát lũ của sông xảy ra ở nhiều địa phương…

“Những tồn tại, hạn chế trên đều liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đê điều, chỉ đạo ứng phó, hộ đê trên địa bàn của chủ tịch UBND cấp huyện”, ông Hiệp cho biết.

nhieu han che trong cong tac ho de qua con bao lich su hinh 2

Ảnh minh họa.

Theo ông Hiệp, các địa phương cần tính toán lại mực nước báo động của các tuyến sông có đê; tính toán việc xử lý sự cố đê điều mang tính hệ thống; quan tâm đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống đê điều.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị người đứng đầu cấp huyện cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của luật Đê điều, luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để sớm sửa chữa, khắc phục các sự cố, hư hỏng của đê điều do đợt lũ vừa qua (hoàn thành trước mùa lũ năm 2025); tổng kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn, rà soát, cập nhật, bổ khuyết các vị trí xung yếu và phương án bảo vệ sát với thực tế; trong đó lưu phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân…

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra 805 sự cố về đê điều, gây nguy hiểm đến an toàn đê, 99 sự cố cống, 205 sự cố rò rỉ tại vị trí qua thân đê, mái đê và 186 sự cố thẩm lậu, trong đó có nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 80 nghìn tỷ đồng.

nhieu han che trong cong tac ho de qua con bao lich su hinh 3

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin tại hội nghị.

Từ đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong hệ thống đê điều hiện nay, như tình trạng xuống cấp nhanh, công tác rà soát hiện trạng và xác định trọng điểm đê xung yếu ở một số địa phương chưa được chú trọng đúng mức, chưa bám sát thực tế.

Ngoài ra, công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê còn chưa nghiêm túc, chủ quan, còn lúng túng, bị động trong khâu chỉ đạo nhân lực, chuẩn bị vật tư để triển khai cụ thể. Một số địa phương chưa xây dựng lực lượng quản lý đê theo Thông tư 01, tại đây xác định rõ ràng trách nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện trên địa bàn.

Hơn nữa, việc phát quang mái đê, chân đê cũng chưa được quan tâm sát, dù đã có sự đôn đốc bằng văn bản từ Bộ NN-PTNT. Thông tin liên lạc trong tình huống nguy cấp vẫn còn chậm trễ, gây khó khăn trước nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra rất mong manh. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa có kịch bản rõ ràng để chuẩn bị công tác hậu cần, đảm bảo chăm lo đời sống người dân trong và sau các đợt bão, lũ, dẫn đến việc ứng phó còn nhiều hạn chế.

PV