Thế giới vẫn phải chờ hiệp ước chống ô nhiễm nhựa trong tương lai
(CLO) Cuộc đàm phán hiệp ước toàn cầu nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa đã không đạt được thỏa thuận trong ngày bế mạc vào thứ Hai (2/12) ở Hàn Quốc. Dù hơn 100 quốc gia muốn hạn chế sản xuất nhựa, một số nước sản xuất hóa dầu mới chỉ sẵn sàng giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủ Liên hợp quốc (INC-5) tại Busan, Hàn Quốc này nhằm đưa ra một hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn còn cách xa nhau về phạm vi cơ bản của một hiệp ước, qua đó sẽ phải nối lại các cuộc đàm phán sau này.

Rác thải nhựa đã trở nên phổ biến đến mức vi nhựa xâm chiếm cơ thể con người, từ thức ăn, nước cho đến không khí. Ảnh: AFP
Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cho biết: "Rõ ràng là sự khác biệt vẫn còn tồn tại".
Các vấn đề gây chia rẽ nhất bao gồm việc hạn chế sản xuất nhựa, quản lý các sản phẩm nhựa và hóa chất đáng lo ngại, cũng như tài trợ để giúp các nước đang phát triển thực hiện hiệp ước.
Một phương án do Panama đề xuất, được hơn 100 quốc gia ủng hộ, sẽ mở đường cho mục tiêu giảm sản lượng nhựa toàn cầu, trong khi một đề xuất khác không bao gồm giới hạn sản lượng.
Sự chia rẽ đã lộ rõ trong một văn bản sửa đổi được Chủ tịch cuộc họp Luis Vayas Valdivieso công bố vào Chủ nhật. Văn bản này có thể là cơ sở cho một hiệp ước trong tương lai.
"Một hiệp ước chỉ dựa vào các biện pháp tự nguyện sẽ không được chấp nhận", Juliet Kabera, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda, cho biết. "Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc và đàm phán một hiệp ước phù hợp với mục đích và không dễ thất bại".
Một số ít quốc gia sản xuất hóa dầu, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, đã phản đối mạnh mẽ những nỗ lực nhằm giảm sản xuất nhựa. "Chưa bao giờ có sự đồng thuận nào cả", đại biểu Ả Rập Xê Út Abdulrahman Al Gwaiz cho biết.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Eunomia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út là 5 quốc gia sản xuất nhựa polymer hàng đầu vào năm 2023.
Hiệp ước này được kỳ vọng là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất liên quan đến bảo vệ môi trường kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
Chris Jahn, Thư ký hội đồng của Hội đồng Hiệp hội Hóa chất Quốc tế (ICCA), đại diện cho các nhà sản xuất nhựa, cho biết: "Kết quả này nhấn mạnh tính phức tạp của việc giải quyết ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu và nhu cầu thảo luận thêm để đạt được một hiệp ước hiệu quả, toàn diện và khả thi".
Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2050 và người ta phát hiện thấy vi nhựa trong không khí, nông sản tươi sống và thậm chí cả sữa mẹ.
Theo báo cáo năm 2023 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, các hóa chất được tìm thấy có trong nhựa bao gồm tới hơn 3.200 loại, trong đó phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị nhiễm độc.
Bất chấp việc bị hoãn lại, một số nhà đàm phán vẫn bày tỏ sự cấp thiết phải quay lại đàm phán. "Mỗi ngày trì hoãn là một ngày chống lại loài người. Việc trì hoãn đàm phán không thể trì hoãn được cuộc khủng hoảng", trưởng đoàn Panama Juan Carlos Monterrey Gomez phát biểu vào Chủ nhật.
Sự thất bại về đàm phán chống ô nhiễm nhựa diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaijan cũng có sự kết thúc gây thất vọng, khi tranh cãi cũng diễn ra gay gắt về khoản tiền các nước giàu phải chi cho các nước nghèo để ứng phó với biến đổi khí hậu, cuối cùng chỉ đạt được mức 300 tỷ USD mỗi năm, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Bùi Huy (theo LHQ, Reuters, AFP)