Dự kiến 283 khu phố phải đổi tên sau khi TP HCM sáp nhập phường
(CLO) UBND TP HCM đã đề xuất đổi tên 283/634 khu phố tại các phường sau sáp nhập, để phù hợp với các phường mới. Số còn lại, 351 khu phố giữ nguyên tên gọi.
Ngày 9/12, UBND TP HCM đã trình HĐND TP HCM tờ trình về đổi tên khu phố tại các phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP HCM giai đoạn 2023 - 2025.

UBND TP HCM đã đề xuất đổi tên 283/634 khu phố tại các phường sau sáp nhập
Bài liên quan
Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030
Thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thành phố Hải Phòng
Theo Nghị quyết 1278, TP HCM sắp xếp 80 phường tại các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận thành 41 phường. Các phường mới này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Theo thống kê, trong tổng số 634 khu phố thuộc 80 phường, có 283 khu phố cần đổi tên để phù hợp với các phường mới. Số còn lại, 351 khu phố, giữ nguyên tên gọi.
Danh sách số lượng khu phố cần đổi tên như sau: Quận 3 (12 khu phố); quận 4 (14 khu phố); quận 5 (18 khu phố); quận 6 (32 khu phố); quận 8 (53 khu phố); quận 10 (14 khu phố); quận 11 (30 khu phố); quận Bình Thạnh (53 khu phố); quận Gò Vấp (48 khu phố); quận Phú Nhuận (9 khu phố).
UBND TP HCM cũng đề xuất phương án sắp xếp nhân sự tại 41 phường mới trong năm 2025. Các phường được sáp nhập từ ba phường tại các quận 6, 11 và Gò Vấp sẽ bố trí tối đa 8 cán bộ/phường.
Đối với 16 phường mới được sáp nhập từ hai phường thuộc các quận 3, 5, 10, 11 và Gò Vấp nhưng chưa hoàn thiện phương án nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, mỗi phường sẽ bố trí 7 cán bộ. Các phường còn lại sẽ có 6 cán bộ/phường.
Như vậy, tổng cán bộ tại 41 phường trong năm 2025 là 269 người. Ngoài ra, tổng số công chức tại 41 phường là 1.046 người, giảm 154 người so với năm 2024.
Bên cạnh đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách tại 41 phường là 982 người, giảm 70 người so với năm trước.
UBND TP HCM trình HĐND TP HCM tờ trình đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ đối với các cán bộ, công chức dôi dư do quá trình sáp nhập, đặc biệt là trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc tự nguyện, hoặc không đủ điều kiện tái bổ nhiệm.
Với những người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chính sách hưởng theo Điều 5 Nghị định 29, sẽ được trợ cấp 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác, người lao động được nhận thêm nửa tháng lương.
Cán bộ, công chức cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 29, UBND TP HCM đề xuất trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương.
Cán bộ nữ cấp xã nghỉ do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 2, Điều 8 Nghị định 29 sẽ được trợ cấp thêm 5 tháng lương và 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Những cán bộ thôi việc ngay nhưng không thuộc nhóm tinh giản biên chế được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm, 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác…
Mức căn cứ hỗ trợ là lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế, bao gồm mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp...
UBND TP HCM dự kiến cần khoảng 175 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện chính sách hỗ trợ hơn 1.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư khi sáp nhập 80 phường.