Bình Định xin thí điểm taxi bay: Bộ Giao thông vận tải nói gì?
(CLO) Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về chủ trương xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết, ủng hộ các địa phương nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng nghiên cứu để có thể triển khai những loại hình phương tiện giao thông phù hợp, an toàn và bảo đảm trật tự an ninh xã hội, trong đó có taxi bay.
Việc triển khai những loại hình này theo Bộ GTVT để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và kết nối các điểm đến, từng bước hình thành phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh, tạo điểm nhấn, phát triển hoạt động du lịch tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về Đề án thí điểm taxi bay mới đề cập đến thông tin chung, chưa có các nội dung cụ thể cũng như chưa có các đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kế hoạch thực hiện để có thể triển khai nên Bộ GTVT chưa đủ cơ sở để xem xét, tham gia ý kiến.

Taxi bay là loại hình vận tải hoàn toàn mới. Ảnh minh hoạ.
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Phòng không nhân dân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, Quốc hội đã thảo luận về khái niệm “tàu bay không người lái” tại Luật Phòng không nhân dân theo hướng quy định đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với những thiết bị bay khác không người lái có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Bộ GTVT nhận thấy đây sẽ là tiền đề bước đầu hình thành cơ sở pháp lý trong việc quản lý và khai thác loại hình taxi bay.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu và bám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Phòng không nhân dân để bổ sung, cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến việc xây dựng Đề án và báo cáo xin chủ trương theo đúng thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan.
Cụ thể, cần đánh giá, làm rõ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai đưa vào khai thác, như: thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước; chủ thể vận chuyển, điều kiện kinh doanh; thẩm quyền cấp phép bay; nhà sản xuất, chủng loại taxi bay; các quy định an toàn, tiêu chuẩn thiết kế, sản xuất, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; quy trình cấp, công nhận các loại chứng chỉ liên quan đến taxi bay; điều kiện hạ tầng khai thác; công nghệ vận hành, trạm sạc…
Bộ GTVT cho rằng, đây là loại hình vận tải mới, cần nghiên cứu thận trọng để đảm bảo an toàn. Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá triển khai cần có ý kiến của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Trước đó, vào cuối tháng 10/2024, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Bộ GTVT xin chủ trương xây dựng Đề án thí điểm Taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, taxi bay là loại hình vận chuyển sử dụng máy bay nhỏ chạy bằng điện, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, dùng vận chuyển khoảng 4 - 5 người, được xem là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao.
Đây là phương thức vận tải bằng phương tiện xanh, mới lạ, độc đáo, hiện đại, có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian, phục vụ tốt khách tham quan, du lịch, giá cả cạnh tranh và không phát thải một số chất gây hại so với phương tiện đường bộ, đường sắt thông thường.
“Taxi bay là một hình thức vận tải có rất nhiều tiềm năng, phù hợp với với nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh Bình Định, góp phần xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực và để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”, UBND tỉnh Bình Định cho biết.
Taxi bay là loại hình vận tải hoàn toàn mới. Trên thế giới có một số quốc gia đã nghiên cứu, thử nghiệm loại hình vận tải hành khách bằng taxi bay như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Singapore, Hàn Quốc,... riêng tại Việt Nam chưa có loại hình này.