Vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Đà Nẵng: Ý kiến luật sư dưới góc nhìn pháp lý
(CLO) Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho rằng, việc phân chia tài sản cần dựa trên lỗi và công sức đóng góp. Nếu bản án chưa thấu tình đạt lý, các bên có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi.
Như báo Nhà báo và Công luận đã thông tin, bà M. và ông V. tự nguyên kết hôn năm 2010, sinh được 2 con trai (2011, 2018), cuộc sống gia đình hạnh phúc, tạo lập được nhiều tài sản là bất động sản, vàng, xe hơi, chứng khoán... có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2022 thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn rạn nứt tình cảm vợ chồng dẫn tới thống nhất ly thân, và ra tòa làm thủ tục ly hôn vào tháng 10.2024.
Về tài sản. bà M. cho rằng mình phải nhận được 60% tổng giá trị tài sản, bao gồm: 6 bất động sản trị giá hơn 26 tỷ đồng, 7 cây vàng và hơn 1 tỷ tiền mặt. Và đề nghị tòa tuyên chia cho ông V. nhận được 40% tài sản, bao gồm: 6 bất động sản trị giá hơn 17 tỷ đồng, 5 cây vàng và hơn 900 triệu đồng tiền mặt.
Về con chung, bà M. và ông V. mỗi người nhận nuôi một con, không ai phải có trách nhiệm chu cấp.
Ngày 25.9.2024, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã đưa vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 98/2023/TLST-HNGĐ ngày 10.11.2023 về việc “Tranh chấp ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung và tranh chấp nuôi con” ra xét xử.
Qua đó HĐXX phán quyết phân chia cho bà M. nhận được 42% giá trị tài sản là hơn 16,5 tỷ đồng là 4 bất động sản; ông V. nhận được 58% tổng tài sản là 7 bất động sản giá trị hơn 23 tỷ đồng.
Đối với các tài sản khác gồm vàng có giá trị hơn 900 triệu đồng, tài khoản chứng khoán giá trị gần 800 triệu đồng do ông V. đang quản lý và sử dụng, định đoạt nên buộc ông V. phải trả lại cho bà M. tương ứng với tỷ lệ 42% giá trị các tài sản.
Không đồng ý với phán quyết của Tòa án, sau khi bản án sơ thẩm được ban hành, cả bà M. và ông V. đều làm đơn kháng cáo phúc thẩm gửi Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn TP Đà Nẵng.
Về phía ông V., trong đơn kháng cáo ông đề nghị được nuôi cả 2 con trai, đồng thời kiến nghị tòa xem xét được chia 70% tài sản chung. Ông cho rằng, bản án sơ thẩm chưa phản ánh hết công sức đóng góp của ông trong việc hình thành khối tài sản chung; ông có việc làm và thu nhập cao ổn định; có tài sản sinh lời trước khi kết hôn; số tiền tiết kiệm và vàng của 2 vợ chồng đã thống nhất khi ly thân là để thanh khoản các khoản nợ chung...

Bài liên quan
Vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Đà Nẵng: Vì sao cả hai vợ chồng đều kháng cáo?
Nội dung đơn kháng cáo của bà M. cho rằng phiên tòa cấp sơ thẩm đã không tính tới “nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong việc xét xử các tranh chấp hôn nhân gia đình, xem nhẹ sự cống hiến, sự hy sinh của người phụ nữ đã vun vén cho cuộc sống, kinh tế gia đình suốt hơn 14 năm”.
Cụ thể, theo đơn kháng cáo của bà M., Viện kiểm sát và HĐXX không xem xét 22 tập sao kê tài khoản với hơn 10.000 giao dịch, và hơn 1.500 trang bút lục là chứng cứ trong vụ án mà bà giao nộp liên quan tới vấn đề này.
Theo bà M., đây là toàn bộ sao kê (từ tài khoản riêng cá nhân bà và tài khoản Công ty riêng của bà) để lo toan mọi việc của gia đình chồng cũ, cho con cái, phụng dưỡng cha mẹ chồng, mua sắm đồ đạc, lo chi phí điện nước, sinh hoạt, đối nội đối ngoại, lo xây dựng nhà cửa, bảo hiểm, du lịch của gia đình, ốm đau bệnh tật… trong suốt hơn 14 năm chung sống với ông V.
Bà M. cho rằng, khi sống chung với cha mẹ chồng, bà phụ trách 90-100% mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, chi tiêu cho cuộc sống của gia đình ở mức khá giả. Bà M. khẳng định, phần sao kê tài khoản của bà chỉ thể hiện một phần nhỏ đóng góp của bà còn sót lại để chứng minh chính bà mới là người lo gồng gánh cuộc sống, kinh tế gia đình; thậm chí khi thiếu thốn cần vay ngân hàng và vay tiền của mẹ ruột để lo lắng công việc cho chồng, cũng chỉ mình tôi tích góp tiền trả nợ trong nhiều năm.
Đặc biệt bà M. tiếp tục đưa ra các bằng chứng nhấn mạnh chứng minh sự nghiệp, khả năng tài chính; các phương thức hình thành khối tài sản chung mà bà có công chính tạo lập thời kỳ hôn nhân, như bà đang có công ty riêng làm ăn phát đạt, các giao dịch giấy tờ, tài chính do bà đứng ra đảm nhiệm... Vì vậy bà M. cho rằng việc ông V. được tòa sơ thẩm phán quyết hưởng 58% giá trị tài sản chung, còn bà chỉ nhận được 42% là không thỏa đáng...
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, với vụ án này gần 1 năm sơ thẩm chưa có kết quả thỏa đáng, các bên có quyền yêu cầu kháng cáo lên cấp thành phố sau 15 ngày nếu họ cảm thấy bị thiệt thòi: "Nếu người vợ chứng minh được tỉ lệ đóng góp lớn hơn, dòng tiền rõ ràng, thì việc phân chia tài sản chung không thể bất công đến mức chồng được phần nhiều hơn".
Còn Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối nêu ý kiến: "Việc phân chia tài sản cần dựa trên lỗi và công sức đóng góp. Nếu bản án chưa thấu tình đạt lý, các bên có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi".
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.